Mỹ nghi ngờ về tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc ngang nhiên xây nhà để chứa máy bay trên các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa là động thái gây căng thẳng trong khu vực, đồng thời làm dấy lên hoài nghi về cam kết trước đây của Bắc Kinh trong việc phi quân sự hóa Biển Đông.
Theo Indian Express, trong cuộc họp báo ngày 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nhấn mạnh: “Hoạt động xây dựng với chức năng kép như vậy đã gây ra căng thẳng trong khu vực. Điều này đã làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm ngoái, rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông, hay không”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng các hành động này đã “làm tổn hại lòng tin trong khu vực về việc Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất đồng bằng cách không cưỡng ép”.
“Chúng tôi khẳng định lại lời kêu gọi, như chúng tôi đã từng nói trước đây, rằng các bên tranh chấp cần dừng việc cải tạo đất ở các khu vực tranh chấp hòng phát triển thêm các căn cứ mới và quân sự hóa các tiền đồn. Thay vào đó, các bên hãy tận dụng cơ hội từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 để xây dựng nhận thức về các hoạt động và cách ứng xử đúng đắn tại các khu vực tranh chấp”, bà Trudeau nhấn mạnh.
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc ngừng cải tạo và quân sự hóa trên Biển Đông đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng không và hàng hải tại vùng biển này theo luật pháp quốc tế.
Ngày 8/8, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đã công bố những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã trắng trợn xây dựng các nhà chứa máy bay tại ít nhất 3 đảo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Theo CSIS, trên mỗi đá này, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện khu nhà chứa đủ cho 24 máy bay chiến đấu cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn hơn.
Những hình ảnh trên được tiết lộ chỉ khoảng 1 tháng sau khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được coi là một đòn pháp lý giáng mạnh vào tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thành Đạt
Tổng hợp