1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc về kế hoạch thành lập ngân hàng mới

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao Nhà Trắng đã bày tỏ sự hoài nghi mạnh mẽ về sự nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một ngân hàng phát triển khu vực mới, cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Mỹ đứng đầu.

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc về kế hoạch thành lập ngân hàng mới
Ông Sydney Seiler, giám đốc vấn đề chính sách trên bán đảo Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
 
Bình luận của ông Sydney Seiler, người phụ trách vấn đề chính sách trên bán đảo Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được xem là một lời nhắn nhủ gửi tới Hàn Quốc rằng không nên tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á(AIIB) mà Bắc Kinh đang nỗ lực thành lập để đối trọng với ADB, hiện do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu.

Ông Seiler nói thêm rằng ông không biết liệu ngân hàng mới có làm gia tăng giá trị của các tổ chức hiện thời hay không.

Hồi tuần trước, Trung Quốc đã chính thức đề nghị Hàn Quốc tham gia ngân hàng AIIB và Seoul đã phản ứng tích cực. Hàn Quốc nói rằng một ngân hàng như vậy có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế khu vực và Seoul có thể cân nhắc đề nghị của Bắc Kinh.

“Xét tới nhu cầu về một tổ chức tài chính tham gia vào phát triển hạ tầng, chúng ta có WB, ADB, và đó là các ngân hàng có uy tín”, ông Seiler nói.

“Các ngân hàng đó đưa ra các tiêu chuẩn cao về các vấn đề như quản lý, môi trường, bảo vệ xã hội… và không rõ ở điểm này AIIB có thể áp dụng các tiêu chuẩn đó ra sao hoặc làm thế nào AIIB có thể hợp tác hoặc bổ sung giá trị cho các tổ chức phát triển đa phương vốn đã tồn tại trong nhiều năm”, ông Seiler nói thêm.

Ông Seiler cho hay, Mỹ vẫn coi ADB là tổ chức đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển hạ tầng khu vực. Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp cải cách đang được tiến hành tại ADB sẽ gia tăng khả năng cho vay, và WB cũng đã thực hiện các cải cách để tăng gấp đôi nguồn vốn cho vay.

“Chúng tôi xem các thể chế hiện thời là các cách thức trung tâm, rất đáng tin cậy nhằm đóng góp cho nhu cầu của khu vực, và đó là lý do chúng tôi tiếp tục chờ đợi xem AIIB có thể bổ sung giá trị vào các thể chế hiện thời ra sao”, ông Seiler nói.

Khi được hỏi liệu Mỹ có đề nghị Hàn Quốc thận trọng khi tham gia AIIB hay không, ông Seiler nói: “Dù Mỹ không đề nghị Hàn Quốc làm vậy, tất cả các quốc gia đã tham gia vào việc đóng góp và hợp tác với WB và ADB đều có các câu hỏi tương tự”.
 
Sáng kiến thành lập AIIB lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonesia hồi năm 2013 nhằm hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển trong khu vực hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
 
An Bình
Theo Yonhap

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm