1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ ngăn Trung Quốc hợp tác công nghệ quân sự

Ở một góc độ khác, sự trỗi dậy về tri thức của Trung Quốc (TQ) lại được Hoa Kỳ nhìn nhận như một thách thức về an ninh.

LTS: Hội nghị thượng đỉnh hàng năm lần thứ 7 của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) vừa khai mạc hôm 8/7 tại Nga. Xung quanh sự trỗi dậy của BRICS, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dựa trên một nghiên cứu của TS Maximilian Mayer, Đại học Bonn (Đức).

TS Maximilian Mayer. (Ảnh:
TS Maximilian Mayer. (Ảnh: VietNamNet)

*TS Maximilian Mayer là chuyên gia nghiên cứu về quyền lực tri thức, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn Cầu (CGS), Đại học Bonn (Đức), và làm hậu tiến sĩ tại đại học Harvard (Mỹ).
 
TS Mayer tham dự chương trình hợp tác học giả của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Tp.HCM.
 
Bài viết được triển khai từ nghiên cứu “Khối BRICS: Sự trỗi dậy của các cường quốc tri thức“ của TS Maximilian Mayer.
Thế giới đã từng trải qua hai cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 20. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng lần thứ 3 đang được khởi động, trong đó sản xuất chủ yếu dựa vào số hóa.

Khác với hai cuộc cách mạng trước, vốn chỉ tập trung ở các quốc gia phát triển, cuộc cách mạng lần này sẽ diễn ra trên phạm vi toàn cầu và do đó sẽ dẫn đến những ảnh hưởng rộng lớn hơn. Trong đó, một lực lượng đang là trung tâm của các cuộc tranh luận chính sách, học giả, lẫn truyền thống, đó là sự trỗi dậy của khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi.

Khi khối BRICS thay đổi thế giới

Theo tính toán từ nhóm nghiên cứu quyền lực tri thức tại đại học Bonn (Đức), TS Maximilian Mayer đưa ra những con số định lượng sự trỗi dậy này. Cụ thể: năm 2013, trong số 10 nước có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất thế giới, có đến 4 nước của nhóm BRICS, trừ Nam Phi. Trong khi đó, nếu quay ngược về 10 năm trước, sẽ không có một quốc gia nào trong khối BRICS xuất hiện trong tốp 10 như vậy.

Chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của các thành viên BRICS cũng chứng kiến sự gia tăng vượt bậc. Theo dữ liệu được UNESCO công bố, trong giai đoạn 2001 – 2011, chi phí R&D của TQ tăng gần 700%, đạt giá trị đứng thứ 3 chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Tỉ lệ tăng ở Nga, Brazil và Ấn Độ lần lượt là 200%, 103% và 102%. 

Mặc dù vậy, BRICS vẫn chỉ là một tập hợp các nền kinh tế mới nổi và do đó, mỗi quốc gia thành viên đều có thế mạnh của riêng mình. Ví dụ như Brazil, vốn có thế mạnh ở ngành công nghiệp hàng không và công nghệ sinh học, trong khi Ấn Độ lại là quốc gia có tiếng về phần mềm và Nga là các ngành khoa học cơ bản. TQ lại là quốc gia dẫn đầu khối trong sáng tạo và phát minh công nghệ mới.

Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý ở TQ là những sáng chế và phát minh này lại không hoàn toàn mang tính bản địa. Nói cách khác chúng không do chính người TQ và các công ty, tập đoàn của họ tạo ra, mà phần lớn đến từ các công ty nước ngoài có trụ sở ở TQ hoặc người TQ sống ở nước ngoài.

Thần Châu 10 rời bệ phóng. (Ảnh:
Thần Châu 10 rời bệ phóng. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Nhảy vọt chóng mặt

Trong số các quốc gia thành viên của nhóm BRICS, TQ có thể xem là quốc gia có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất về khoa học và công nghệ. Tính trung bình, người dân TQ có mức chi tiêu cho giáo dục cấp cao (đại học và sau đại học) vượt trội so với các quốc gia còn lại thuộc nhóm BRICS. Số lượng đăng ký bản quyền và xuất bản các công trình khoa học tại TQ cũng nhảy vọt với tốc độ chóng mặt, nhanh chóng bắt kịp và thậm chí vượt qua cả Nhật Bản và Đức.

Là quốc gia đi sau trong cuộc đua chinh phục vũ trụ, song TQ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong số này phải kể đến chương trình Thần Châu đưa con người lên vũ trụ và hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. Sự kiện Thần Châu đưa TQ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Liên Xô trước đây, phóng thành công tàu vũ trụ có người lái. Còn chương trình Bắc Đẩu là câu trả lời thách thức với hệ thống GPS của Mỹ.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ vũ trụ và các chương trình không gian của TQ khiến Mỹ cảm thấy lo ngại. Trong Báo cáo thường niên gửi Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc nhận định: “TQ hiện đang sở hữu chương trình không gian có mức độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nước này tiếp tục phát triển hàng loạt các tiềm lực nhằm làm suy yếu, ngăn cản khả năng đối phương vận hành thiết bị đặt trong vũ trụ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng xung đột”.

Theo TS Mayer, nắm được các công nghệ mới trong tay, TQ đã nhanh chóng mở rộng hợp tác và chiếm lĩnh những thị trường mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, giúp gia tăng sức ảnh hưởng của nước này.

Theo đánh giá của tiến sĩ Mayer, một số tập đoàn công nghệ thông tin của TQ giờ đây đã đủ sức để chơi “cùng một đẳng cấp” với các tập đoàn quốc tế. Những tập đoàn như Huawei đang mang những công nghệ này, với một mức giá rẻ hơn, đến các thị trường chưa được khai phá mạnh mẽ bởi phương Tây như châu Phi, Mỹ Latin và châu Á. Song, ông Mayer cũng lưu ý rằng số doanh nghiệp đạt đến được “đẳng cấp quốc tế” vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ nền kinh tế TQ.

Thách thức an ninh hay kinh tế?

Tuy vậy, có nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau tại phương Tây về sự trỗi dậy về tri thức của nhóm BRICS, TS Mayer lập luận.

Tại Đức, sự trỗi dậy của TQ là vấn đề được bàn luận nhiều nhất. Các học giả tại đây không nhìn nhận các bước tiến của TQ như một thách thức về an ninh mà là về kinh tế. Theo Mayer, một số ngành kinh tế của Đức có khả năng sẽ bị đe dọa nếu như TQ tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển khoa học công nghệ như hiện nay.

Nạn đánh cắp bí mật công nghệ cũng là một trong những vấn đề được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm khi nhìn nhận sự trỗi dậy của TQ. Tuy nhiên, ông Mayer cho biết, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (2011), mức cân bằng chi – thu đối với phí bản quyền của TQ là gần âm 14 tỷ USD. Vì vậy, ông Mayer đánh giá, không phải tất cả những bước tiến về khoa học công nghệ của TQ đều mang mác “ăn cắp bản quyền”.

Ở một góc độ khác, sự trỗi dậy về tri thức của TQ lại được Hoa Kỳ nhìn nhận như một thách thức về an ninh. Thượng viện Hoa Kỳ mới đây đã ngăn không cho các doanh nghiệp TQ hợp tác trong những lĩnh vực khoa học công nghệ ở Hoa Kỳ, đặc biệt là có liên quan đến quân sự. Theo giải thích của TS Mayer, đa số các công ty chuyên về phát triển khoa học công nghệ tại Hoa Kỳ đều có mối liên quan mật thiết với công nghệ quân sự của nước này. Hơn 50% tổng số quỹ R&D tại Hoa Kỳ đều đến từ những lĩnh vực có liên quan đến quân sự, hoặc có thể phục vụ cho mục tiêu quân sự và an ninh quốc gia.

Thời gian gần đây, phía Hoa Kỳ nhiều lần cáo buộc các cá nhân hoặc doanh nghiệp TQ đánh cắp công nghệ từ các công ty của nước này. Mới đây, chính quyền tổng thống Obama đã cáo buộc Bắc Kinh đứng sau một đợt tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào hệ thống mạng chính phủ liên bang.

Nhiều doanh nghiệp lớn của TQ, mà điển hình nhất là gã khổng lồ trên thị trường truyền thông Huawei, cũng đã bị cấm cửa tại thị trường Hoa Kỳ do các nguy cơ an ninh. Vấn đề đánh cắp công nghệ chắc chắn sẽ được bàn luận rất nhiều trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh sắp đến giữa ông Tập Cận Bình và tổng thống Obama.

Dẫu có nhiều bước tiến trong “cuộc đua tri thức”, dễ nhận thấy rằng khoảng cách giữa nhóm BRICS và các nền kinh tế phát triển vẫn còn rất lớn. TQ, Ấn Độ, Nga và Brazil đã chen chân thành công vào nhóm 10 quốc gia có số đăng ký bản quyền nhiều nhất thế giới. Nhưng bước qua bảng xếp hạng quốc gia có số bản quyền được đưa vào ứng dụng nhiều nhất trên thế giới, chỉ còn mỗi TQ là trụ lại được.

Ngoài ra, tất cả các thành viên nhóm BRICS đều đang phải tốn tiền nhiều hơn là sinh lời từ những phát minh mà họ đăng ký, trái với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức đều đang có lợi nhuận. Theo TS Mayer, giữa các thành viên của nhóm vẫn còn tồn tại quá nhiều khác biệt để cùng hợp thành một “quyền lực tri thức” đủ sức cạnh tranh.

Theo Duy Linh – Lê Thành (thực hiện)
Vietnamnet
 
TS Maximilian Mayer nhận định các nước nhỏ có thể hưởng lợi từ sự trỗi dậy của các nước BRICS trên lĩnh vực khoa học công nghệ. Dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ cao, các nền kinh tế này sẽ để lại nhiều thị trường sản xuất để các nền kinh tế nhỏ hơn chen chân vào tận dụng.

Tuy nhiên, ông Mayer không cho rằng kiểu “công xưởng thế giới” của TQ là mô hình phù hợp để các nền kinh tế nhỏ học theo. Lợi ích mà quốc gia áp dụng mô hình này thu về được là rất nhỏ so với tổng giá trị trực của mỗi sản phẩm.

Thay vào đó, ông cho rằng các nước nhỏ cần nhanh chóng định hình được thế mạnh của mình, tìm ra những lĩnh vực về khoa học công nghệ để bổ khuyết vào sự phát triển của các quốc gia nhóm BRICS. Cụ thể như Đài Loan, nền kinh tế này đã xây dựng được một chiến lược để gắn kết mình thành một nhân tố trung tâm của ngành công nghệ thông tin khu vực và thế giới.

Bằng cách xây dựng một chiến lược phát triển độc lập, khẳng định thế mạnh riêng của bản thân, một nền kinh tế nhỏ hơn mới không sợ viễn cảnh bị áp đảo và nuốt chửng bởi các nền kinh tế lớn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm