1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Nga và "miếng mồi" ngon châu Âu

Mỹ không ngừng chỉ trích; Đức, Nga vẫn kiên định. Liệu luật pháp châu Âu có giúp xóa tan nỗi bất an?

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (gọi tắt là NS2) nối từ Nga sang Đức tiếp tục hâm nóng bầu không khí hội nghị an ninh đang diễn ra tại Munich. Thủ tướng Đức Angela Merkel gạt bỏ những lo ngại của Mỹ về nguy cơ làm suy yếu vị trí chiến lược của châu Âu và đảm bảo Ukraine rằng vai trò trung chuyển sẽ luôn thuộc về họ.

Mỹ gay gắt, Nga quyết liệt

Từ khi NS2 được ký kết, Tổng thống mỹ Donald Trump không ngừng chỉ trích nước Đức lệ thuộc Nga, rằng Đức - “tù nhân” của Nga sẽ nhanh chóng nhập khẩu 50%, rồi 70% năng lượng từ nước Bắc Á này. Sau đó Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lưỡng đảng bày tỏ sự phản đối Dòng chảy phương Bắc. Nghị quyết kêu gọi các chính phủ châu Âu bác bỏ dự án và bắt tay với Mỹ trong các lệnh trừng phạt đối với thành viên tham gia.

NS2 gây tranh cãi trong cả nước Đức, giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và giữa Mỹ với châu Âu, trong thời điểm nhạy cảm khi phương Tây thực thi các biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp quân sự ở Ukraine, sáp nhập Crimea năm 2014, cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và ám sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh tháng 3 năm ngoái. Những người ủng hộ dự án ở Đức lập luận rằng nó sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước sau khi chính phủ quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân.

Đáp lại thách thức từ Mỹ và lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu hủy bỏ NS2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định đây là dự án năng lượng hòa bình và cho rằng các chính trị gia châu Âu phản đối chỉ vì họ đang làm việc cho một số nhóm lợi ích khác. Bà Zakharova cáo buộc những nỗ lực của Mỹ làm suy yếu “dự án thương mại thuần túy” của Nga, Đức là ví dụ cho cạnh tranh không công bằng.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng tuyên bố sẽ hoàn thành NS2 dù bất kỳ lệnh trừng phạt nào được ban hành, điều mà Mỹ đang nỗ lực thông qua với điều lệ khắt khe hơn và tập trung vào năng lượng Nga.

Mỹ, Nga và miếng mồi ngon châu Âu - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Hamburg (Đức). Ảnh: REUTERS/PHILIPPE WOJAZER

Những ý kiến trái chiều

Theo The Economist, NS2 tiềm tàng mục đích chính trị dưới vỏ bọc kinh tế. Dự án đe dọa đến sự an toàn của Ukraine, Ba Lan và các quốc gia Baltic, làm suy yếu chiến lược năng lượng của EU, trở thành công cụ để Nga thị uy trước Tây Âu và gieo rắc bất hòa giữa các đồng minh NATO. Đối với Putin, ngay cả tạo nên sự hoảng loạn, nỗi sợ hãi giữa các châu lục với chục tỉ đôla là quá hời, chưa nhắc đến những điều trên có thể trở thành sự thật. Đối với châu Âu, đó là cái bẫy, The Economist viết.

Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, đã công bố báo cáo về các dự án khác nhau của Gazprom và kết luận chúng không mang ý nghĩa thương mại nào. Tờ Financial Time cho biết tác giả chính của báo cáo - Alexander Fak, trước đó được ca ngợi là nhà phân tích nghiên cứu hàng đầu của Nga, đã nhanh chóng bị sa thải và Gref, Giám đốc điều hành của Sberbank, tự chỉ trích ông là người thiếu chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đầu năm 2019 cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ vào NS2 là sai lầm trong việc tranh chấp cung cấp năng lượng. Vấn đề về chính sách năng lượng của châu Âu phải được giải quyết ở châu Âu chứ không phải Mỹ, ông Heiko Maas nói.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng Đức sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG của Mỹ và các nhà chức trách đang làm rõ vấn đề địa điểm.

Vấn đề về chính sách năng lượng của châu Âu phải được giải quyết ở châu Âu, không phải ở Mỹ. Áp dụng trừng phạt vào dự án này không phải là một kế sách.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức HEIKO MAAS

 

Ai thắng, ai thua?

Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu tuần vừa qua đã phê chuẩn sơ bộ việc thắt chặt Chỉ thị Khí đốt của EU trên cơ sở dự thảo luật do Đức và Pháp phát triển. Đây không hẳn là điều Đức mong chờ nhưng nó cũng chẳng quá tệ. Ủy ban tiếp theo sẽ quyết định tương lai của dự án đa phương giữa châu Âu và đất nước xứ sở bạch dương.

Tin tốt cho Nga là NS2 sẽ kịp tiến độ công trình và Gazprom đơn giản chỉ tuân thủ các quy tắc của EU, không sở hữu cơ sở hạ tầng khi đóng vai trò là bên vận chuyển khí. Warsaw vẫn lo ngại Moscow sử dụng việc giao khí đốt như vũ khí địa chính trị nếu ngừng cung cấp khí cho Đông Âu nhưng tiếp tục giao thương với Đức. Theo Politico, Ba Lan cũng muốn trở thành một trung tâm khí đốt bằng cách nhập khí đốt tự nhiên và xây dựng một đường ống để kết nối với biển Bắc của Na Uy.

Về phần Ukraine, tin tốt cho họ là Đức đã cam kết vai trò trung chuyển của Ukraine trong tương lai, được nhấn mạnh trong thỏa thuận Pháp-Đức tuần trước. Tin xấu là Ukraine thân cô thế cô, phụ thuộc hoàn toàn vào lời hứa của những người cầm chuôi trong thương vụ này.

Số liệu IEA cho thấy Nga cũng nhập khoảng 40% lượng dầu thô từ Đức và 30% nguồn cung than của nước ngoài trong năm 2016. Nhưng điều đó hầu như không là ngoại lệ ở châu Âu. Thực tế nguồn cung cấp khí của Nga là lựa chọn rẻ nhất cho phần lớn các nước châu lục này. Mỹ dù đã vận chuyển nguồn nhiên liệu đến một số quốc gia nhưng đơn giản họ không thể cạnh tranh về chi phí với Nga, một nước đã sử dụng thành thạo năng lượng như vũ khí của mình trong quá khứ.

Dòng chảy phương Bắc 2 là gì?

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của năm nước (Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức) và quá cảnh qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, các quốc gia Đông Âu và Baltic khác. Đan Mạch là nước duy nhất kiên quyết bỏ phiếu chống.

 

Hai luồng của đường ống dự kiến sẽ được xây dựng vào cuối năm 2019. Tổng công suất của dự án là 55 tỉ m3 khí mỗi năm. Chi phí xây dựng ước tính là 9,5 tỉ euro. Nord Stream 2 AG là nhà điều hành xây dựng đường ống với cổ đông chính là Gazprom của Nga. Các đối tác khác như Uniper, Wintershall từ Đức, OMV của Áo, Engie từ Pháp, Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan sẽ góp 50% chi phí dự án.

 

Theo Hà Minh Thu

Pháp luật Việt Nam