Mỹ - Nga: Chung kẻ thù nhưng không cùng chiến tuyến
Đã 1 tháng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria, Moskva và Washington vẫn tiếp tục bất đồng về mục tiêu của chiến dịch.
Nếu Mỹ vẫn vì những toan tính riêng của mình mà cản đường Nga tiêu diệt IS và các phe nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình sẽ càng trở nên bất lợi cho mọi phía, trừ IS.
“Ông chẳng, bà chuộc”
Ngày 30/9/2015, lực lượng không quân Nga bắt đầu ném bom các mục tiêu IS ở Syria. Kể từ ngày đó, máy bay của Nga đã thực hiện hàng trăm phi vụ thả bom vào các mục tiêu mà Bộ Quốc phòng Nga cho là có liên quan đến IS. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu và sứ mệnh của Nga tại Syria.
Phát biểu với các phóng viên vào ngày 13/10, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren gọi các cuộc không kích của Nga là “liều lĩnh và bừa bãi”, đồng thời cho rằng “chỉ một phần nhỏ” các cuộc không kích này là nhằm vào IS hoặc lãnh thổ do IS kiểm soát. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì thắc mắc “ý định thực sự của Nga là chống IS hay là bảo vệ chế độ Assad?”.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kỳ thực là Washington nhận thức hành động của Moskva trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và Hồi giáo khác nhau ở Syria (không chỉ IS mà còn có các nhóm khác như Jabhat al-Nusram, một chi nhánh của Al-Qaeda) không chỉ là một sự tự chủ quá đáng mà còn là một sự thách thức với chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Bởi, dẫu sao Washington cũng không hề giấu giếm việc họ đã tài trợ bao năm nay cho các phe nhóm đối lập họ gọi là các phe “nổi dậy ôn hòa” nhằm lật đổ chính quyền Assad.
Trong khi đó, Moskva không phủ nhận sự ủng hộ của họ đối với chính quyền dân bầu của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, theo quan điểm Nga, không kích vào tất cả các nhóm chống chính phủ là một phần của chiến lược ngăn chặn sự phát triển và hoành hành của IS. “Mục tiêu của Nga là làm giảm mối đe dọa IS bằng cách hỗ trợ các nỗ lực chiến đấu của chính phủ hợp pháp ở Syria” - Nikita Mendkovich, một chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế nhận định.
Nói như ông Georgy Bovt - nhà phân tích chính trị và thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga thì: “Với những ai từng hy vọng rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ bằng cách nào đó được cải thiện sau cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây ở New York, thì đã đến lúc không còn e ngại gì để có thể nói đó chỉ là ảo tưởng”.
Và những người từng cho rằng, can thiệp quân sự vào Syria là một nước cờ cao tay của Nga để có được một “thỏa thuận” nào đó với Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraina, cũng đã đến lúc phải nghĩ lại. Bởi, ngay cả trong vấn đề chống IS - một vấn đề rất dễ để tìm thấy quan điểm chung, mà Mỹ và Nga vẫn tìm thấy cách để… bất đồng, thì có lẽ khó còn có thể hy vọng vào sự hàn gắn quan hệ Washington - Moskva.
Sự bất đồng giữa 2 cường quốc thế giới về tương lai Syria hóa ra đã là quá lớn!
Chiến tranh ủy nhiệm hay nội chiến 4 chiều?
Nếu trong những ngày đầu tiên các phi cơ Nga oanh tạc ở Syria, chính quyền Mỹ vẫn phát đi những tuyên bố có thể xem là tương đối tích cực, thì bây giờ họ chỉ rặt chỉ trích và lên án. Bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây liên tục phát đi những thông tin hòng định hướng dư luận tin rằng: Người Nga đang ném bom nhầm, họ đang chơi trò chơi của riêng họ tại Syria và mục tiêu chính của họ không phải là chiến đấu chống IS mà là trợ giúp cho nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad. Tuyệt nhiên, không có thêm một bài thuyết trình, bình luận rằng ông Assad có thể đóng vai trò như thế nào trong chuyển giao quyền lực ở Syria, như báo chí Mỹ trước đó thường đặt vấn đề.
Mỹ từ chối bất kỳ cuộc tham vấn nào với Nga về các vấn đề quy định chính trị ở Syria. Đề nghị của Nga tổ chức hội đàm cấp cao với sự tham gia của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (người thực sự có quan hệ khá dễ chịu với Tổng thống Mỹ Obama) cũng bị Washington gạt phắt đi.
Điều duy nhất mà Mỹ sẵn sàng làm là tổ chức hội đàm giữa quân đội 2 nước để ngăn chặn bất kỳ sự cố va chạm tình cờ nào giữa phi cơ đôi bên trong không phận Syria. Cuối cùng, đến ngày 20/10, sau 3 vòng đàm phán qua cầu truyền hình, Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm Góc mới ký được bản ghi nhớ thiết lập các biện pháp bay an toàn để phi công hai nước điều khiển máy bay hiệu quả hơn khi không kích IS ở Syria.
Không những từ chối các đề nghị đối thoại về hợp tác của Điện Kremlin, Mỹ còn tăng cường cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad và gần đây còn “cấm” đồng minh Iraq mời Nga đánh IS. Cũng dễ hiểu nếu Washington cảm thấy bất an và bị “mất mặt” nếu Baghdad mời Nga tham chiến, trong khi Mỹ và liên minh quốc tế chống IS vẫn còn đang tiếp tục “giúp” Iraq chống IS bằng các đợt không kích kéo dài cả năm qua. Tuy nhiên, nếu Mỹ cứ tiếp tục gửi vũ khí cho lực lượng đối lập chống Tổng thống Assad thì sẽ là nguy cơ.
Không có gì đảm bảo những lô vũ khí này sẽ rơi vào tay Quân đội Syria Tự do (FSA) - nhóm vũ trang mà phương Tây mô tả như là “lực lượng đối lập ôn hòa” đấu tranh chống Chính phủ Syria, hay sẽ lọt vào tay IS. Mỹ đã có nhiều bài học đắt giá về việc này mà vẫn chưa “chừa”.
Sự thất bại hoàn toàn của chương trình huấn luyện và tài trợ lực lượng nổi dậy ở Syria chống khủng bố IS là một ví dụ. Mỹ đã tiêu tốn 500 triệu USD để thành lập và huấn luyện FSA với 5.000 tay súng, trong khi đến nay, chỉ có rất ít người được huấn luyện, thậm chí một số tay súng sau khi “tốt nghiệp” đã ôm vũ khí và kỹ năng của Mỹ mà “chuyển giao” cho IS hoặc al-Qaeda. Gần đây, Mỹ lại được phen “muối mặt” khi phát hiện số lượng lớn xe bán tải Toyota Hilux mà các phần tử IS nghênh ngang sử dụng lâu nay hóa ra là cũng do Mỹ “gửi nhầm” khi tài trợ cho FSA.
Theo người đứng đầu Viện Nghiên cứu vì hòa bình và thịnh vượng Ron Paul, ông Daniel McAdams, có tới 60-80% số trang thiết bị hỗ trợ của Mỹ cho phiến quân ôn hòa ở Syria đã “hạ cánh cuối cùng” ở kho của IS. Trong tình hình hiện nay, các nhóm phiến quân khác nhau ở Syria đang liên tục hình thành và cải cách liên minh, đã xuất hiện tình trạng các chiến binh “nhảy” từ liên minh này sang liên minh khác, đem theo cả vũ khí của họ.
Tại tỉnh Hama có một đội quân với hàng chục nghìn tay súng, bao gồm cả các nhóm khủng bố như Jabhat al-Nusram, Ahrar tro-Sham…, không có gì đảm bảo là chúng không nhận được vũ khí của Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua bên thứ 3. Nếu phương Tây hỗ trợ cho bất kỳ nhóm đối lập bằng vũ khí, tiền bạc, hay bất cứ điều gì khác, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì đó các hành động không chỉ chống lại chính phủ hợp pháp của Syria, mà còn chống lại Nga.
Trong bối cảnh đó, đã có những ý kiến lo ngại nội chiến ở Syria đang có nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga. Phát biểu trên kênh CNN ngày 1-10, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã gọi tình hình ở Syria là một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” giữa Mỹ và Nga, khi mà các bên trong cuộc xung đột chiến đấu với vũ khí được cung cấp bởi các đối tác nước ngoài như đã từng xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, ông Sergei Karaganov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga lại cho rằng, sẽ là “vô nghĩa” nếu gọi cuộc xung đột ở Syria là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm dựa trên các loại vũ khí được sử dụng của các phe nhóm, bởi “có rất nhiều vũ khí khác nhau ở Syria”.
Theo các chuyên gia Nga, việc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí do Nga sản xuất là không có gì ngạc nhiên cả, vì Damascus từ lâu đã là một khách hàng lớn của các nhà sản xuất vũ khí của Nga. Tuy nhiên, “công nghệ Nga ở đây chủ yếu là di sản của thời kỳ Xôviết và quân đội Syria đã sở hữu chúng từ nhiều năm trước”.
Và cũng không có gì bất ngờ khi công nghệ quân sự của Mỹ đang được phe đối lập ở Syria sử dụng. Người Mỹ đã cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho cái gọi là phe “đối lập ôn hòa”. Vấn đề là cuối cùng, một số trong chúng lại lọt vào tay IS.
Cũng theo các chuyên gia Nga, đáng ra, Nga và Mỹ nên tập trung vào mục tiêu chung của họ ở Syria là tiễu trừ IS và chủ nghĩa quân phiệt Hồi giáo, thay vì để sự khác biệt về cách thức đạt được những mục tiêu này và những toan tính riêng kéo họ về 2 chiến tuyến, dù cùng chung kẻ thù.
Điều này xét cho cùng không có lợi cho bên nào, trừ IS - như nhận định của ông Robert Legvold - Giáo sư danh dự về Khoa học chính trị tại Đại học Columbia: “Syria là một cuộc nội chiến 4 chiều mà tất cả chúng ta đều thiệt hại - trừ IS”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Mỹ đang chơi trò nước đôi
Nói về tình hình Trung Đông, tại diễn đàn Madai hôm 22/10, Tổng thống Nga Putin đã thẳng thừng cáo buộc Mỹ đang chơi trò nước đôi ở Syria, khi vừa tuyên bố chiến đấu chống khủng bố, vừa cố gắng sử dụng một số nhóm trong đó để sắp xếp bàn cờ Trung Đông, vì lợi ích riêng của họ. Theo ông Putin, “không thể nào có những phần tử khủng bố “ôn hòa”. Các nhóm khủng bố “gầm gừ” nhau trong khu vực. Họ chiến đấu lẫn nhau vì “nguồn thu nhập” chứ không phải ý thức hệ” .
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “Không thể thành công trong cuộc chiến chống khủng bố nếu sử dụng một số nhóm đó như công cụ để lật đổ chính quyền không được yêu mến. Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể xử lý, tước quyền lực hoặc đàm phán với các nhóm này về sau”.
Theo Linh Phương
PetroTimes