1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ muốn dùng “kho vũ khí bay” áp chế Trung Quốc

(Dân trí) - Lầu Năm Góc mới đây đã hé lộ kế hoạch cải tạo các máy bay cỡ lớn cũ thành những “kho vũ khí bay” , song hành với các chiến đấu cơ tàng hình, nhằm giành thế áp đảo trong các cuộc đối đầu trên không trong khu vực.

Hiện kế hoạch này đang được Văn phòng Năng lực Chiến lược (SCO) của Lầu Năm Góc nghiên cứu, với mục tiêu cải tạo các chiến đấu cơ ném bom cỡ lớn cũ thành những kho vũ khí trên không, hỗ trợ các chiến đấu cơ tàng hình, vốn hạn chế về khả năng mang vũ khí.

Những chiếc B-52H của Mỹ có thể mang lượng vũ khí khổng lồ. (Ảnh: US Airforce)
Những chiếc B-52H của Mỹ có thể mang lượng vũ khí khổng lồ. (Ảnh: US Airforce)

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong một bài phát biểu hồi đầu tháng đã công bố dự án này khi thảo luận kế hoạch ngân sách quốc phòng 2017.

“Khi triển khai, những máy bay mang vũ khí này sẽ giữ vai trò như một băng đạn rất lớn ở trên không, kết nối với các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, hoạt động như những cảm biến đi đầu và bắt mục tiêu”, ông Ash Carter lí giải, và cho biết dự án về cơ bản sẽ kết hợp nhiều hệ thống vũ khí sẵn có để tạo thành những năng lực hoàn toàn mới.

Để duy trì khả năng tàng hình, các chiến đấu cơ hiện đại như F-22 và F-35 chỉ có thể mang một lượng hạn chế vũ khí ở các khoang nằm bên trong thân. Một chiếc F-22 có thể gắn 4 tên lửa không đối không và hai quả bom loại 1000 pound (454kg) trong khoang chứa. Trong khi đó những chiếc F-35 chỉ mang được 2 tên lửa không đối không cùng 2 quả bom loại 2000 pound.

Để so sánh, những chiếc Su-27 Trung Quốc đang sử dụng thường mang được hơn 10 tên lửa không đối không. Và nếu chiến sự nổ ra tại Thái Bình Dương, vị trí địa lí gần kề các căn cứ Trung Quốc có nghĩa là nước này có thể triển khai một số lượng chiến đấu cơ lớn hơn Mỹ rất nhiều. Kết quả là Trung Quốc sẽ có ưu thế khổng lồ về hỏa lực, tờ National Interest phân tích.

Trong khi đó các máy bay ném bom B-1 và B-52 có thể mang tới 75.000 pound (34 tấn) vũ khí, và hiện quân đội Mỹ có rất nhiều “pháo đài bay” trong biên chế. Riêng Không quân Mỹ đang vận hành 62 chiếc B-1B Lancer và 58 chiếc B-52 Stratofortress. Trái lại, tiến độ chuyển giao các chiến đấu cơ F-22 và F-35 đang rất chậm. Không quân Mỹ mới nhận được 195 chiếc F-22, bằng một nửa số lượng đặt hàng. Số lượng F-35 quân đội Mỹ đã nhận còn thấp hơn nhiều, chỉ 150 trong đơn đặt hàng 2500 chiếc.

Các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ dù có tính năng tàng hình cao chỉ mang được lượng vũ khí rất hạn chế. (Ảnh: Airman Magazine)
Các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ dù có tính năng tàng hình cao chỉ mang được lượng vũ khí rất hạn chế. (Ảnh: Airman Magazine)

Sự kết hợp giữa những “kho vũ khí bay” và chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ tương tự như giữa một trinh sát pháo binh và đơn vị pháo binh trong tác chiến trên bộ. Chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ làm nhiệm vụ xác định mục tiêu, để dẫn đường cho hỏa lực từ những “kho vũ khí bay”.

Tùy thuộc vào môi trường tác chiến, những máy bay lớn chở vũ khí sẽ mang theo những tên lửa tầm xa, để có thể tấn công từ bên ngoài tầm với của hệ thống phòng không đối phương, hoặc áp sát và tấn công bằng bom dẫn đường chính xác nếu đối phương có năng lực công nghệ hạn chế.

Ông Carter cho biết hiện Lầu Năm Góc chưa xác định sẽ chọn mẫu máy bay nào để cải tạo thành những kho vũ khí bay. Ngoài B-1 và B-52, những chiếc máy bay vận tải lớn như C-130 Hercules và C-17 Globemaster đều có thể được xem xét.

Ý tưởng về những “kho vũ khí bay” thực chất không mới. Trong những năm 1990, Hải quân Mỹ từng có ý định đóng những “kho vũ khí nổi”, sử dụng các tàu chiến lớn mang theo hàng trăm ống phóng tên lửa thẳng đứng cùng tên lửa. Những tàu này sẽ nhận thông tin về mục tiêu từ các chiến hạm nhỏ hơn. Dù vậy chương trình này sau đó bị hủy bỏ.

Sáng kiến của SCO là một phần trong cái gọi là chiến lược bù trừ thứ ba, sẽ “không chỉ dựa vào những công nghệ quân sự mới để đảm bảo ưu thế trong các cuộc xung đột trong tương lai, mà còn tập trung vào phối hợp công nghệ cũ và mới, cũng như các phương pháp chiến tranh hiện đại và truyền thống”, ông Carter khẳng định.

“Không có gì phải hoài nghi rằng chiến lược bù trừ thứ ba có mục tiêu chủ yếu là xóa nhòa những tiến bộ gần đây về công nghệ quân sự mà Trung Quốc và Nga đã đạt được. Lầu Năm Góc xem cả hai quốc gia này nằm trong nhóm 5 thách thức chiến lược mà Mỹ phải tập trung ứng phó trong năm tài chính mới”, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố.

Thanh Tùng

Theo Diplomat, NI