Mỹ mua hơn 80 tiêm kích từ thời Liên Xô từ đồng minh của Nga?
(Dân trí) - Các nguồn tin nói rằng, Mỹ dường như đã mua hơn 80 tiêm kích cũ từ thời Liên Xô của Kazakhstan, một đồng minh thân cận của Nga.
Trong vài năm qua, Kazakhstan đã dần thay thế phi đội máy bay chiến đấu lỗi thời do Liên Xô sản xuất bằng các phiên bản hiện đại, ví dụ máy bay đa năng Su-30SM của Nga.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Kazakhstan đã thông báo sẽ bán đấu giá 117 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thời Liên Xô.
Chúng bao gồm máy bay đánh chặn MiG-31, máy bay ném bom chiến đấu MiG-27, máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 được sản xuất trong những năm 1970 và 1980.
Theo phía Kazakhstan, các máy bay này đang trong tình trạng không thể sử dụng được. Việc hiện đại hóa chúng được coi là không thực tế về mặt kinh tế.
Mặc dù vậy, theo trang tin tiếng Anh Reporter.RU của Nga và một kênh truyền thông Ukraine, Mỹ dường như đã mua 81 máy bay nói trên của Kazakhstan thông qua các thực thể nước ngoài. Trong số các máy bay Mỹ được cho đã mua, có MiG-27, MiG-29 và Su-24.
Lý do đằng sau động thái này chưa được công bố. Tuy nhiên, theo Kyiv Post, những loại máy bay này đều có trong biên chế Ukraine. Vì vậy, có những đồn đoán rằng, các máy bay Mỹ mua từ Kazakhstan có thể sẽ được đưa tới Ukraine.
Các tiêm kích không còn có thể sử dụng nhưng vẫn được xem là nguồn phụ tùng thay thế. Mặt khác, các khung máy bay này có thể được sử dụng làm mồi nhử tên lửa đắt tiền của Nga ở các căn cứ Ukraine.
Trước đây, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã mua hoặc chuyển giao rất nhiều thiết bị quân sự của Liên Xô để hỗ trợ và bổ sung cho các loại vũ khí trong biên chế của Ukraine.
Bất chấp hàng tỷ USD tên lửa, lựu pháo và các loại vũ khí khác được phương Tây gửi tới Ukraine, các nhà phân tích ước tính ít nhất 2/3 kho vũ khí nước này vẫn là di sản từ thời Liên Xô.
Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc các cường quốc phương Tây đã đề nghị một vài quốc gia âm thầm viện trợ vũ khí do Nga chế tạo cho Ukraine.
Ông không nêu cụ thể những quốc gia nào, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu tất cả các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến chuyển giao vũ khí phải được tuân thủ.