1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mở giai đoạn mới trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á

(Dân trí) - Chính quyền Obama đang mở một giai đoạn mới trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương bằng việc đầu tư vào các vũ khí công nghệ cao như máy bay ném bom tàng hình tầm xa và tên lửa hành trình chống hạm mới, và mở rộng các quan hệ đối tác thương mại.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (Ảnh: Defense)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (Ảnh: Defense)
 
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết thông tin trên trong bài phát biểu đáng chú ý tại Đại học Arizona hôm qua 6/4. Bài phát biểu đã nêu rõ lý do khiến chính quyền Mỹ dành sự chú ý nhiều hơn đến châu Á.
 
"Tôi sẽ đích thân giám sát giai đoạn mới của chiến lược tái cân bằng, điều sẽ làm tăng cường và đa dạng hóa cam kết của chúng tôi trong khu vực", ông chủ Lầu Năm Góc cho hay.
 
Trong bối cảnh xung đột và bất ổn gia tăng trên khắp Trung Đông, cũng như những lo ngại về sự can thiệp của Nga tại Ukraine, các bình luận của ông Carter dường như nhằm thuyết phục người Mỹ, và có lẽ quan trọng hơn là các đồng minh của Washington tại châu Á, về cam kết của Mỹ đối với chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương.
 
Châu Á-Thái Bình Dương định hình tương lai của Mỹ
 
Ông Carter, người đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ chú ý hơn tới châu Á khi còn làm thứ trưởng quốc phòng giai đoạn 2011-2013, cho hay Thái Bình Dương là khu vực định hình cho tương lai của Mỹ, bất chấp các thách thức đang gia tăng tại Trung Đông và châu Âu.

Ông Carter đã đưa ra một loạt số liệu để nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á đối với tương lai của Mỹ, trong đó có điều mà ông dự đoán là một nửa dân số thế giới sẽ sống tại đó vào năm 2050.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương, ông Carter đã nói rõ rằng các sự kiện của thế giới trong năm qua không làm ông sao nhãng về chính sách tái cân bằng tại châu Á.

Ông Carter cho hay mục tiêu của ông là "nghĩ về những nơi và những sự kiện" sẽ thay đổi an ninh trong tương lai và xem Thái Bình Dương là trung tâm của tương lai đó.

Những bình luận của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ diễn ra chỉ ít giờ trước khi ông bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2.
 
Bài phát biểu đã vạch ra một lộ trình mà ông Carter xem là cách thức tiếp cận của Lầu Năm Góc đối với Thái Bình Dương.

Lộ trình bao gồm việc đặt trọng tâm vào các công nghệ mới, như máy bay ném bom tấn công tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm mới. Kế hoạch cũng bao gồm việc duy trì các công nghệ hiện thời, như máy bay chiến đấu F-35, đi đúng theo kế hoạch và không bị sụt giảm sản xuất.

TPP quan trọng như một tàu sân bay mới

Tuy nhiên, ông Carter nhấn mạnh rằng chìa khóa quan trọng nhất là các mối quan hệ giữa các quốc gia.

"Phép màu của sự phát triển nhanh chóng" trên khắp châu Á có được một phần là do sự hiện diện lâu dài và các mối quan hệ của Mỹ, ông Carter nói, và khẳng định rằng các mối quan hệ này sẽ là một phần quan trọng trong thông điệp của ông trong chuyến thăm tới khu vực tới đây.

Mỹ và Nhật đang phác thảo các đường hướng mới để đưa sự hợp tác "lên một cấp độ hoàn toàn mới" ông Carter nói. Ông cũng nhắc tới một thỏa thuận chia sẻ thông tin 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Và ngoài các đồng minh truyền thống, ông Carter cũng nhắc tới các quốc gia như Việt Nam.

Ông Carter đã nhấn mạnh tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông gọi TPP là một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển hướng sự chú ý sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau một thập niên tập trung vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Ông Carter nói TPP cũng quan trọng như một tàu sân bay mới, và miêu tả thỏa thuận là một ưu tiên cấp thiết. "Thời gian đang sắp hết", ông nói, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang thúc đẩy các thỏa thuận thương mại riêng mà không có Mỹ. Ông Carter đã kêu gọi quốc hội trao quyền cho Tổng thống Barack Obama để hoàn tất đàm phán về TPP.

Mỹ-Trung không phải đồng minh, nhưng cũng không phải địch thủ

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng quốc phòng, người dự kiến sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay, cho hay Mỹ đặc biệt lo ngại về một số khía cạnh trong đường hướng tiếp cận ngày càng hung hăng của Bắc Kinh. Ông Carter nói, thách thức chiến lược trung tâm của thế hệ người Mỹ ngày nay là đảm bảo hòa bình và thịnh vượng khắp châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh.

Ông Carter cũng khẳng định mặc dù "Mỹ và Trung Quốc không phải là đồng minh nhưng chúng tôi cũng không phải địch thủ".

"Tôi phản đối suy nghĩ rằng Trung Quốc mạnh lên là thất bại của chúng tôi. Có một kịch bản khác mà trong đó mọi người đều thắng. Đó là sự tiếp tục các thập niên hòa bình và ổn định, được hỗ trợ bởi vai trò mạnh mẽ của Mỹ, trong đó tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển và thịnh vượng", ông Carter nói.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có 2 chuyến công du châu Á trong tháng 4 và 5. Chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á trong tuần này trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, với các điểm đến là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc tăng cường và hiện đại hóa các liên minh của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Vào tháng 5, ông Carter sẽ tới thăm Singapore và Ấn Độ nhằm xây dựng và tăng cường các quan hệ đối tác đang phát triển tại Đông Nam Á và Nam Á, theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ trước đó.

An Bình
Tổng hợp