Mỹ lộ ý đồ xây lại thủ đô IS ở Raqqa?
Không quân Mỹ bị từ chối ở Mosul, chuyển sang tấn công ở Syria, tướng Mỹ không mong chờ chiến thắng sớm ở Raqqa.
Ngày 8/11, trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các cuộc không kích nhằm hỗ trợ các lực lượng dân chủ Syria chống khủng bố IS tại thành phố phía Bắc Raqqa.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng tác chiến trên mặt đất ở Syria khi họ bắt đầu tiến hành cô lập Raqqa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với tất cả các thành viên của liên minh quốc tế để đảm bảo sự thành công của hoạt động này", ông Peter Cook nói.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, liên minh cần có nguồn lực cần thiết để thực hiện các cuộc không kích đồng thời chống lại các phần tử đang di chuyển từ Mosul (Iraq) tới Raqqa (Syria).
"Chúng tôi dự đoán rằng sẽ cần có sự hỗ trợ đáng kể nhằm cung cấp lực lượng không quân ở cả 2 chiến tuyến Mosul và chiến dịch nhằm cô lập - giải phóng Raqqa... Chúng tôi tin tưởng có nguồn lực lớn để thực hiện điều này" - ông Cook nói.
Tuy vậy, ông Peter Cook không tiết lộ số lượng binh lính và vũ khí dự kiến được triển khai ở 2 mặt trận này.
Hôm 7/11, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Raqqa của Syria, qua đó hỗ trợ cho chiến dịch trên bộ của các nhóm vũ trang.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết mục tiêu của những cuộc không kích bao gồm vị trí và phương tiện chiến đấu của các tay súng IS.
Chiến dịch giải phóng Raqqa do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), bao gồm nhóm dân quân Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG) và một số nhóm Arập khác, tiến hành từ ngày 5/11.
Dẫu thể hiện sự quyết tâm như vậy nhưng trong một tuyên bố khác, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest lại tuyên bố, Hoa Kỳ xác định cuộc chiến chống khủng bố ở Raqqa không phải là một cuộc chiến dễ dàng.
"Chúng tôi dự đoán rằng đây sẽ là một chiến dịch lâu dài và không phải ngày một ngày hai đã có thể dễ dàng giành chiến thắng", ông Earnest nói.
Trong khi nói về chiến dịch chống khủng bố ở Mosul, ông Josh Earnest chỉ nói: "Tiến độ tiến công sẽ chậm nhưng nó ổn định hơn. Họ (lực lượng Iraq) có lợi ích từ những cố vấn Mỹ và các lực lượng liên minh khác ở dưới mặt đất".
Tuyên bố nước đôi như vậy càng đặt ra nghi vấn cho thời điểm Mỹ lựa chọn bàn bạc cuộc chiến ở Raqqa. Nếu không phải là đòn đánh nhanh thắng nhanh, cớ sao Mỹ phải vội vàng tiến hành ở Raqqa?
Nếu cuộc chiến không hề dễ dàng, Mỹ vẫn có quyền cân nhắc các lợi ích có được từ lực lượng liên minh hùng mạnh hoặc kết hợp với quân đội Nga tổng tấn công Raqqa - nếu không ngại ngần các mục tiêu dân sự, nhân đạo.
Như vậy, lời tuyên bố của cơ quan Quốc phòng hay Nhà Trắng đều mang tính mập mờ. Cuộc chiến ở Raqqa chốt lại vì sao lại tiến hành vào thời điểm cam go ở Mosul? Tại sao Mỹ không đánh bằng được Mosul rồi quay trở lại Raqqa? Hay có lẽ, Mỹ rời khỏi Moul là cái cớ "khuất mắt trông coi" cho khủng bố IS?
Trong khi đó, tại chiến trường Mosul, lâu nay Mỹ vẫn ca ngợi các ưu thế trên không hỗ trợ đắc lực cho các cuộc tiến công của quân nổi dậy.và tuyên bố sẽ tham gia không kích ở thành trì được coi là "Thủ đô" của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thì tại mặt trận Mosul, không quân Mỹ lại bị coi là thứ yếu.
Ngày 7/11, Lực lượng Cơ động Toàn dân Bảo vệ Tổ quốc (PMF) ở Iraq thẳng thừng "vạch mặt" Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mosul cũng như sự vô dụng của không quân nước này.
Chỉ huy PMF, Ahmet Arslan tuyên bố, họ không cần Hoa Kỳ trợ giúp để tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu Daesh trong các hoạt động nhằm mục đích giải phóng Mosul.
Chỉ huy Arslan khẳng định, lực lượng này đã thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách thành công ở Nam Mosul. Nhiều ngôi làng và khu định cư gần thành phố đã được trả tự do nhưng ông không tiết lộ số tên khủng bố đã bị giết chết.
"Thực ra mà nói, các tên khủng bố IS đã được phóng đại rất nhiều bởi phương tiện truyền thông Mỹ" - ông nói. "Trong khi đó, vũ khí mà IS sử dụng, nước của họ uống đều tới từ Mỹ. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng lập trường của Washington đối với IS là một "trò đạo đức giả".
Trong khi chiến sự Mosul hàng ngày hàng giờ cập nhật đón tin mừng mới thì từ sau khi Mỹ tuyên bố cùng tham gia với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiến hành cuộc chiến vào Raqqa, các thông tin chiến thắng đã lập tức giảm hẳn và "biến mất".
Đáng lưu ý, khi tập trung chưa toàn vẹn cho một mặt trận được dự đoán là rất cam go và khó khăn do phải đối mặt với sự phản kháng của các tay súng IS, lực lượng quân đội Mỹ ở Syria đã tiếp tục các chiến dịch hỗ trợ lực lượng SDF.
Động thái mới này sẽ tiếp tục đưa đẩy cuộc chiến chống khủng bố IS sang một nấc thang mới tiếp tục kéo dài, trì hoãn trở thành một "ung nhọt" ở Trung Đông.
Video: Lực lượng không quân Mỹ hỗ trợ người Kurd chiến đấu ở Raqqa:
Theo Đông Phong
Đất Việt