1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ "lo sốt vó" vì chip gián điệp của Trung Quốc

(Dân trí) - Các giám điều hành công nghệ của Mỹ có thể “mất ăn, mất ngủ” vì lo ngại về nguy cơ gián điệp mạng từ Trung Quốc, sau khi Bloomberg đăng tải một bài báo gây sốc, trong đó có nói rằng Bắc Kinh có thể đã tấn công mạng lưới máy tính của hàng loạt “ông lớn” công nghệ như Amazon, Apple bằng một chip siêu nhỏ do các gián điệp chế tạo.


(Ảnh minh họa: Bloomberg Businessweek)

(Ảnh minh họa: Bloomberg Businessweek)

Vụ việc đang trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ giới công nghệ Mỹ mà còn cả các quan chức nước này, trong bối cảnh mối đe dọa về gián điệp mạng ngày càng gia tăng gần đây.

Bloomberg Businessweek ngày 4/10 đưa tin, các gián điệp Trung Quốc đã tận dụng những sơ hở trong chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ để xâm nhập các mạng lưới máy tính của gần 30 công ty Mỹ, trong đó có những hàng sừng sỏ như Amazon, Apple, một ngân hàng lớn và các nhà thầu chính phủ.

Theo bài báo trên, trong số các mục tiêu có một nhà thầu từng chế tạo phần mềm nhằm giúp thực hiện video bằng máy bay không người lái cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và liên lạc với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Các nhân viên điều tra phát hiện ra rằng những con chip siêu nhỏ, không to hơn hạt cát là mấy, đã được cài trong khi các thiết bị do các nhà thầu nhỏ của công ty Super Micro Computer chế tạo được sản xuất tại Trung Quốc. Super Micro Computer là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về bo mạch chủ máy chủ, các cụm chip gắn kết và các tụ điện hoạt động giống đầu não của các trung tâm dữ liệu.

Các nhân viên điều tra tra tin rằng các con chip đã cho phép những kẻ tấn công xâm nhập bí mật vào bất kỳ mạng lưới máy tính nào, cho phép chúng thu thập các thông tin bí mật từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Apple, Amazon, Super Micro và chính phủ Trung Quốc đều nhanh chóng lên tiếng bác bỏ các thông tin của Bloomberg. Apple và Amazon khẳng định rằng họ chưa từng phát hiện hệ thống máy tính bị gài các chip chứa mã độc.

Các quan chức và giới lãnh đạo công nghệ Mỹ cho rằng bài báo của Bloomberg đã cho thấy mối nguy cơ ngày càng gia tăng của gián điệp Trung Quốc đối với các công ty và chính phủ Mỹ.

Vụ việc gây xôn xao giới công nghệ Mỹ, khắp thế giới, và nhiều quan chức chính phủ cũng như các lãnh đạo công nghệ Mỹ đã lên tiếng. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các sở hữu trí tuệ và sử dụng các báo buộc này là lý giải chính cho các biện pháp trừng phạt thương mại nghiêm khắc chống lại Bắc Kinh.

Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói: “Tôi muốn nói rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa chúng tôi trong không gian mạng và lĩnh vực công nghệ thông tin là một ưu tiên rất cao đối với chúng tôi - chống lại những mối đe dọa đó, thiết lập các cơ chế ngăn chặn để đề phòng Trung Quốc ngay từ khi có ý định hành động, thực hiện các hoạt động chống gián điệp mà Tổng thống phê chuẩn”, ông Bolton nói.

Chính phủ Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các sở hữu trí tuệ của Mỹ thông qua hoạt động gián điệp và các cách thức khác, một cáo buộc đã được chú ý hơn kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức với cam kết hành động cứng rắn đối với Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, một cuộc điều tra do Bộ Thương mại tiến hành theo yêu cầu của Tổng thống Trump nhằm vào các cách thức giao thương của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã tấn công mạng các doanh nghiệp Mỹ để hưởng lợi kinh tế.

Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh về kinh tế trong nhiều năm qua, và Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ về GDP trong những năm tới để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nước khi Tổng thống Trump muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tổng thống Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế 250 tỷ USD đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa còn hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Các nghị sĩ, CEO công nghệ Mỹ đều lo ngại

Các nghị sĩ Mỹ và các chuyên gia đều lên tiếng bày tỏ lo ngại về vụ việc.

“Thông tin rằng Trung Quốc tìm cách thâm nhập chuỗi cung cứng chip máy tính, nếu đúng, là đặc biệt đáng lo ngại và là ví dụ mới nhất cho thấy khả năng của Bắc Kinh nhằm đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ”, ông Adam Schiff, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban tình báo Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố.

Ông Schiff nói thêm rằng ủy ban “đang tìm cách làm rõ từ cộng đồng tình báo liên quan tới cáo buộc mới nhất này và sẽ liên lạc với các công ty bị ảnh hưởng”.

Thượng nghị sĩ Mark Warner, một thành viên của đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Thượng viện và là một cựu giám đốc điều hành công nghệ, cũng bày tỏ lo ngại. Bài báo “cung cấp thêm bằng chứng cho thấy hành động của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và sự quản lý rủi ro chuỗi cung ứng”.

Nghị sĩ Frank Pallone, thuộc Ủy ban thương mại và năng lượng Hạ viện, cho rằng bài báo “rất gây lo ngại và quốc hội cần phải điều tra”. “Chúng ta phải lắng nghe trực tiếp từ các công ty có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng an ninh nghiêm trọng này để hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra”, ông nói.

Nhiều chuyên gia không bất ngờ với bài báo của Bloomberg, bởi các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ gián điệp mạng của Trung Quốc. Nhưng thông tin của Bloomberg dường như đẩy mối lo ngại này lên mức cao hơn.

“Tôi nghĩ đó chỉ là một chương mới trong cuốn sách những lo ngại an ninh mạng bắt nguồn từ Trung Quốc”, Dan Ives, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Wedbush Securities, nói. “Và tôi nghĩ, điều đó khiến nhiều giám đốc điều hành công nghệ của Mỹ mất ngủ”.

Tom Kellermann, giám đốc công ty an ninh Carbon Black và từng là giám đốc hội đồng an ninh mạng thời chính quyền Barack Obama, cho rằng bài báo của Bloomberg là một ví dụ nhỏ cho thấy các nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm do thám và phá hoại các doanh nghiệp Mỹ. Ông này nói, công ty của ông đã nhận thấy số lượng các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần, vượt qua Nga để trở thành mối dọa lớn nhất đối với công ty Mỹ.

Theo các chuyên gia, rủi ro từ các chuỗi cung ứng là mối đe dọa hiển hiện. Đơn cử như hãng Apple, cũng giống nhiều công ty công nghệ khác, đã xây dựng mô hình công ty quanh một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, trong đó hãng này cũng có các hãng sản xuất đặt tại Trung Quốc.

“Hãy xem, đây là một trò chơi bài giữa Mỹ và Trung Quốc và đây chỉ một lá bài khác cần phải tính đến trong trò chơi này”, ông Dan Ives nói. “Phố Wall tin rằng câu chuyện của Bloomberg đáng tin cậy và nó đã thổi bùng những ngọn lửa lo ngại quanh Trung Quốc về việc tấn công các tập đoàn công nghệ Mỹ”.

Các chuyên gia giờ đây đặt câu hỏi rằng liệu chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp nước này sẽ hành động như thế nào về trước mắt cũng như lâu dài nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc.

An Bình

Tổng hợp