1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ lên tiếng vụ quân nhân vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ xác nhận vụ việc một công dân nước này vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên khi đang đi tham quan khu vực biên giới 2 nước, đồng thời cho biết người này là một quân nhân.

Mỹ lên tiếng vụ quân nhân vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên - 1

Binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc đứng gác ở khu phi quân sự tại biên giới 2 nước (Ảnh: Reuters).

SCMP đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc ngày 18/7 xác nhận một binh sĩ nước này đã vượt qua đường biên giới liên Triều để đi vào Triều Tiên khi người này tham quan khu phi quân sự giữa 2 nước. Mỹ cho biết, binh sĩ này dường như đang bị Triều Tiên bắt giữ.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc xác định quân nhân này là binh nhì Travis King. King từng bị giam giữ trong quân đội ở Hàn Quốc vì lý do kỷ luật. Triều Tiên chưa bình luận về vụ việc.

CBS News dẫn nguồn tin nói rằng, King dường như đang trong quá trình bị trục xuất khỏi Hàn Quốc khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, người này lại xuất hiện trong một chương trình du lịch tới khu phi quân sự ở biên giới liên Triều.  

Nằm gần vĩ tuyến 38, khu phi quân sự (DMZ) đóng vai trò là biên giới quốc tế trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Một khách du lịch tham gia vào chuyến tham quan DMZ cùng King nói với CBS rằng, cô có mặt ở hiện trường khi vụ việc xảy ra. Cô cho hay đã quan sát thấy "người đàn ông (quân nhân King) hét lớn và chạy vào giữa một số tòa nhà".

NPR dẫn một nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay, King dường như mặc thường phục khi vụ việc xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 18/7 xác nhận rằng binh sĩ Mỹ đã sang Triều Tiên từ Hàn Quốc "một cách có chủ ý và không được phép".

"Chúng tôi nắm được tình hình sớm nên có rất nhiều điều chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu, nhưng những gì chúng tôi biết là một trong những binh sĩ của chúng tôi đã cố tình và không được phép vượt qua đường biên giới quân sự", ông Austin nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng cơ quan này "chưa liên hệ với Triều Tiên hoặc các chính phủ khác" về vấn đề quân nhân vượt biên. Ông cho hay, các quan chức Lầu Năm Góc đã liên lạc với những người đồng cấp ở Triều Tiên vì Bộ Quốc phòng có vai trò chính trong vụ việc.  

Hạ nghị sĩ Adam Smith nói với CNN rằng việc Triều Tiên giam giữ một binh sĩ Mỹ đặt ra một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng, do các kênh liên lạc hiện tại giữa 2 bên không tồn tại.

"Bước đầu tiên cần làm là nên thiết lập lại những thông tin liên lạc đó. Nếu một người lính Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên, ưu tiên của chúng ta phải là đảm bảo anh ta trở về", ông Smith nói.

Kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật. Cả 2 bên đều củng cố các biện pháp bảo vệ dày đặc ở 2 bên của DMZ, bao gồm cả những bãi mìn.

Các binh sĩ của cả hai bên canh gác mặt đối mặt tại Khu vực An ninh Chung - khu vực do Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc giám sát. Đây cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng và hàng trăm du khách tham quan khu vực này mỗi ngày ở phía Hàn Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm