1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lên tiếng vụ cầu tiếp viện huyết mạch của Nga bị tập kích tên lửa

Minh Phương

(Dân trí) - Nhà Trắng cho rằng, lựa chọn tấn công mục tiêu nào là quyền của quân đội Ukraine.

Mỹ lên tiếng vụ cầu tiếp viện huyết mạch của Nga bị tập kích tên lửa - 1

Mặt cầu Chonhar thủng lớn sau khi trúng tên lửa (Ảnh: Reuters).

Giới chức Nga ngày 22/6 cáo buộc Ukraine dùng tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ để tập kích cầu Chonhar nối bán đảo Crimea với vùng Kherson do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine.

Trả lời câu hỏi liệu phương Tây có giúp Ukraine lên kế hoạch cho các cuộc tấn công gần đây, bao gồm cả cuộc tấn công vào cầu Chongar, hay không, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói: "Đây là cuộc chiến tại Ukraine. Họ đang ứng phó với cuộc chiến đó".

"Trọng tâm của chúng tôi là hợp tác với Ukraine và các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng họ có khả năng chiến đấu cần thiết nhằm bảo vệ đất nước và giành lại một phần lãnh thổ", người phát ngôn nói thêm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho hay: "Cầu Chonhar có ý nghĩa chiến lược đối với hoạt động vận chuyển quân, trang thiết bị và đạn dược của Nga từ Crimea vào đất liền Ukraine".

Vụ tập kích khiến cây cầu bị hư hại và có thể mất vài tuần để sửa chữa. Các phương tiện muốn vào Crimea do đó sẽ phải sử dụng hai tuyến đường thay thế qua Armyansk và Perekop dài hơn.

Ukraine không khẳng định hay phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công trên mặc dù có nhiều đồn đoán gần đây rằng Kiev đang tìm cách cô lập lực lượng Nga ở Crimea và miền Nam Ukraine.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu. Sau gần một tháng, quân đội nước này tuyên bố giành lại hơn 100km2 lãnh thổ.

Giới chức phương Tây nhận định cuộc phản công của Ukraine chưa đáp ứng được kỳ vọng trên bất kỳ phương diện nào, còn các lực lượng Nga đang thể hiện tốt hơn đánh giá của họ.

Theo đánh giá của phương Tây, Nga đã lập ra các tuyến phòng thủ kiên cố, khiến Ukraine khó chọc thủng. Ngoài ra, các lực lượng Nga đã phá hủy hàng loạt thiết giáp Ukraine thông qua các cuộc tấn công bằng tên lửa và mìn, đồng thời triển khai sức mạnh không quân hiệu quả hơn. Một trong các quan chức phương Tây cho biết, quân đội Ukraine đang tỏ ra dễ bị tổn thương trước các bãi mìn mà Nga lập ra.

Tuy nhiên, cuộc phản công của Ukraine mới ở giai đoạn đầu, và Mỹ cùng các đồng minh vẫn lạc quan Ukraine sẽ giành lại lãnh thổ. Theo các nguồn thạo tin, Washington đồng minh có thể đợi ít nhất đến tháng 7 để đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả của cuộc phản công.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/6 thừa nhận rằng, tiến độ phản công chậm hơn mong muốn. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết họ đã lên kế hoạch cho cuộc phản công tiếp theo bằng cách sử dụng xe tăng Abrams do Mỹ chế tạo.

Washington đầu năm nay cam kết sẽ cung cấp cho Kiev 30 xe tăng Abrams. Khi được hỏi liệu các xe tăng này có đến kịp thời gian cho cuộc phản công hiện tại hay không, ông Kuleba cho rằng, người Ukraine nên nhìn về tương lai.

 "Có hy vọng, nhưng chúng ta không nên chỉ nghĩ về cuộc phản công hiện tại. Bạn không nên xem cuộc phản công này là cuộc phản công cuối cùng và mang tính quyết định. Sẽ có rất nhiều cuộc phản công, nhiều đến mức cần thiết để đẩy lùi Nga", ông nói.

Theo Reuters