1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hình ảnh cầu tiếp viện chiến lược của Nga ở cửa ngõ Crimea trúng tên lửa

Minh Phương

(Dân trí) - Cầu Chonhar, tuyến đường tiếp viện chiến lược của Nga ở cửa ngõ bán đảo Crimea, bị hư hại sau khi trúng tên lửa tầm xa được cho là của Ukraine.

Hình ảnh cầu tiếp viện chiến lược của Nga ở cửa ngõ Crimea trúng tên lửa - 1

Mặt cầu Chonhar thủng lớn sau khi trúng tên lửa (Ảnh: Reuters).

Một quan chức giấu tên của Ủy ban Điều tra Nga hôm nay 22/6 cáo buộc Ukraine đã phóng 4 tên lửa về phía cầu Chonhar - cầu nối bán đảo Crimea với tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine.

"Theo thông tin ban đầu, 4 tên lửa đã nhắm vào cây cầu. Tại hiện trường, lực lượng chức trách đã thu được các mảnh vỡ tên lửa, một trong số đó cho thấy tên lửa có xuất xứ từ Pháp", quan chức này cho hay. Theo quan chức này, một trong 4 tên lửa đã trúng cây cầu.

Hình ảnh cầu tiếp viện chiến lược của Nga ở cửa ngõ Crimea trúng tên lửa - 2

Chonhar được coi là cây cầu chiến lược đối với hoạt động tiếp viện của Nga từ Crimea vào miền Nam Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trước đó, Reuters dẫn lời ông Vladimir Saldo, thống đốc vùng Kherson do Nga bổ nhiệm, cho biết Ukraine đã tập kích tên lửa tầm xa Storm Shadow vào cầu Chonhar. Ông cảnh báo sẽ đáp trả vào cây cầu nối Moldova với Romania. "Chúng tôi sẽ sớm đáp trả quyết liệt", ông nói.

Các bức ảnh được chia sẻ cho thấy vụ tập kích tạo ra mảng vỡ lớn trên cầu. Chính quyền địa phương cho biết, cây cầu buộc tạm ngừng lưu thông, chuyển hướng sang các tuyến đường phụ khác bất tiện hơn và xa hơn.

Nikolai Lukashenko, một quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm, nhận định có thể mất vài tuần để khôi phục hoàn toàn cây cầu. "Nếu nói về việc khôi phục hoàn toàn cấu trúc cầu, nhịp cầu bị hư hại, tối đa sẽ mất vài tuần, vì chúng tôi cần đặt hàng các vật liệu thích hợp", ông Lukashenko cho biết.

Chonhar là cây cầu huyết mạch nối bán đảo Crimea với một phần Kherson (miền Nam Ukraine) do Nga kiểm soát. Trước kia, cầu nằm ngoài tầm bắn của bất cứ tên lửa nào do Ukraine sở hữu. Tuy nhiên, điều này thay đổi cách đây vài tuần sau khi Kiev tiếp nhận các tên lửa hành trình của Anh và Pháp.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho hay: "Cầu Chonhar có ý nghĩa chiến lược đối với hoạt động vận chuyển quân, trang thiết bị và đạn dược của Nga từ Crimea vào đất liền Ukraine".

Ông lý giải thêm: "Crimea là trung tâm hậu cần chiến lược của Nga để hỗ trợ lực lượng của họ ở miền Nam Ukraine. Nếu cây cầu bị phá hủy hay hư hại bởi hỏa lực của Ukraine, đó sẽ trở thành tử huyệt đối với các hoạt động của quân đội Nga ở miền Nam Ukraine".

Ukraine không phủ nhận hay xác nhận vai trò trong vụ tập kích trên.

Khi được hỏi về vụ việc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Andrii Yusov chỉ nói: "Lực lượng phòng vệ của chúng tôi tiếp tục công việc của mình và người dân đang chờ đợi lấy lại lãnh thổ thuộc về Ukraine".

Bán đảo Crimea nằm giữa hai biển Azov và biển Đen và được nối với đất liền của Ukraina theo eo đất Perekop. Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Đây cũng là nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Không lâu sau khi tiến hành chiến quân sự hồi tháng 2/2022, Nga đã kiểm soát các dải đất ở đông nam Ukraine để có thể tạo ra hành lang trên đất liền từ Donbass đến Crimea.

Theo Pravda, Reuters