1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lập vùng cấm bay cho người Kurd: Hiểm họa với Syria

Liên minh chống khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu đang xúc tiến kế hoạch thành lập khu vực cấm bay trên vùng trời Đông Bắc Syria, do người Kurd quản lý.

Việc Mỹ lập vùng cấm bay trong khu vực do SDF quản lý là nhằm hỗ trợ người Kurd Syria thiết lập quyền tự trị thực tế, giống như ở Iraq.

Mỹ thiết lập vùng cấm bay ở Đông Bắc

Ngày 25 tháng 8, một nguồn tin gần gũi với Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn (SDF) tiết lộ với hãng tin tức người Kurd Bas News rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã xây dựng một kế hoạch mới để áp đặt một vùng cấm bay trên vùng trời đông bắc Syria.

Theo nguồn tin của Bas News, Liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ lãnh đạo đã triển khai các trạm radar và các căn cứ phòng không của mình trong địa phận các tỉnh Bắc-Đông Bắc Syria là al-Hasakah và Aleppo để phục vụ cho kế hoạch này.

Phạm vi áp đặt một vùng cấm bay có thể bao gồm một khu vực rất rộng từ Manbij đến Deir Ezzor, với nhiều trạm radar và các hệ thống thiết bị được lắp đặt ở nhiều khu vực ở phía bắc và phía đông Syria. Trong đó, các sân bay ở Kobani và Rmelan là hai địa điểm quan trọng nhất.

Nguồn tin nói với Bas News rằng, quyết định thiết lập một vùng cấm bay phía đông bắc Syria có liên quan trực tiếp đến sự phát triển tình hình gần đây, bao gồm cả các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa cánh chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) và chính quyền trung ương ở Damascus.

"Khu vực cấm bay là một bước hướng tới sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ đối với tình hình Syria, bằng cách củng cố sự hiện diện quân sự của liên minh quốc tế chống khủng bố IS, dẫn đầu bởi Mỹ, để đối đầu với nhiều lực lượng thù địch, bao gồm cả Iran" - nguồn tin giải thích.


Mỹ quyết định lập vùng cấm bay ở khu vực do người Kurd kiểm soát

Mỹ quyết định lập vùng cấm bay ở khu vực do người Kurd kiểm soát

Mặc dù liên minh do Mỹ lãnh đạo đã không đưa ra bình luận nào về những tuyên bố này nhưng một số nhà hoạt động người Kurd thuộc Đảng Dân chủ người Kurd (PYD), cánh chính trị của các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG, nòng cốt của SDF) đã xác nhận rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã triển khai radar trong các khu vực do SDF quản lý.

Việc lắp đặt các trạm radar này được sự hỗ trợ đắc lực của hàng chục sân bay quân sự mà Mỹ đã thiết lập ở phía Bắc Syria trong mấy năm qua. Bên cạnh đó, để thiết lập một vùng cấm bay thực sự an toàn, chắc chắn Mỹ sẽ triển khai thêm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot 3.

Với sự hiện diện của các trạm radar phòng không này, không chỉ không phận phía Bắc Syria bị phong tỏa mà tất cả các chiến đấu cơ của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở sân bay Hmeymim và máy bay của không quân Syria cũng nằm trong phạm vi giám sát của liên minh Mỹ.

Thế nhưng, ngoài ý nghĩa thực tế của vấn đề áp đặt một vùng cấm bay trong lãnh thổ Syria để ngăn chặn khả năng Nga và Syria sử dụng không quân tấn công người Kurd để thu hồi lại các vùng lãnh thổ bị SDF kiểm soát ở Aleppo, Raqqa, al-Hasakah và Deir Ezzor, ngăn chặn hành lang trên bộ của Iran từ Iraq sang Syria, vùng cấm bay này còn tiềm ẩn một nguy cơ lớn hơn.

Mỹ hậu thuẫn người Kurd Syria tự trị như ở Iraq ?

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, hơn 30 triệu người Kurd đã thất bại trong việc tự thành lập quốc gia độc lập. Họ được xem là một tộc người thiểu số, phải sinh sống rải rác ở ngã tư biên giới Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Mỹ từ lâu đã ấp ủ chiến lược dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông và khi chiến tranh Lạnh kết thúc thì Washington đã dần hiện thực hoá chiến lược này qua việc từng bước nâng cao địa vị chính trị cho họ, bắt đầu từ việc thiết lập cơ chế tự trị cho người Kurd Iraq.

Ngày 28/2/1991, khi cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất chính thức kết thúc, Tổng thống G.H.W.Bush đã ra lệnh lập vùng cấm bay tại khu vực người Kurd sinh sống ở miền Bắc Iraq, đối với cả không quân Iraq.

Cho dù chính quyền Saddam Hussein vẫn là lực lượng đại diện cho chủ quyền quốc gia, vẫn quản lý đất nước Iraq, nhưng Washington đã khiến cho Iraq hoàn toàn mất quyền kiểm soát với tộc người Kurd tại miền Bắc nước này.

Nhờ sự che chở và hỗ trợ của Washington, người Kurd Iraq đã giành được quyền tự trị của họ vào năm 1991.

Đây là cột mốc quan trọng, mở ra trang mới trong lịch sử của tộc người Kurd, là dấu hiệu người Kurd Iraq đã đi được một nửa con đường hiện thực hóa ước mơ lập quốc gia riêng cho dân tộc mình - điều mà những người anh em họ ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran không làm được.

Trong giai đoạn từ năm 1991-2002, Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Kurd tập trung lực lượng và cung cấp vũ khí cho họ huấn luyện thành thục để chờ cơ hội chính thức bước vào vũ đài chính trị Iraq và trở thành một thế lực chính trị-quân sự đáng gờm ở quốc gia này.

Cuộc xâm lược Iraq ngày 20/3/2003 của Mỹ lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein đã làm xáo trộn đời sống chính trị ở Baghdad, tạo ra một cục diện chính trị mới tại Iraq.


Với việc lập vùng cấm bay ở khu vực SDF quản lý, Mỹ đang kiểm soát thực tế một phần khá lớn lãnh thổ Syria và Iraq (ảnh minh họa)

Với việc lập vùng cấm bay ở khu vực SDF quản lý, Mỹ đang kiểm soát thực tế một phần khá lớn lãnh thổ Syria và Iraq (ảnh minh họa)

Sau nhiều thập kỷ độc quyền nắm giữ quyền lực chính trị tại Iraq dưới thời Saddam Hussein, lực lượng Hồi giáo dòng Sunni đã đánh mất quyền lực vào tay lực lượng Hồi giáo dòng Shiite và người Kurd.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, bàn cờ chính trị Iraq có sự tham gia của người Kurd với cơ cấu quyền lực như sau: Đại diện người Kurd nắm vị trí Nguyên thủ quốc gia, còn đại diện người Hồi giáo dòng Shiite nắm giữ vai trò người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội.

Như vậy, chiến lược của Washington tạo địa vị chính trị cho người Kurd tại Trung Đông đã được định hình khi lực lượng này chính thức bước lên vũ đài chính trị tại Iraq, đánh dấu thắng lợi chính trị quan trọng của Washington trong việc chuẩn bị bàn cờ chính trị mới tại Trung Đông.

Hiện nay, Washington tiếp tục sử dụng cuộc chiến chống IS tại Trung Đông để nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd Syria, bằng việc hỗ trợ YPG trở thành 'chiến sĩ tiên phong' trên mặt trận chống khủng bố; giúp họ mở rộng phạm vi kiểm soát ở Syria, xây dựng vị thế chính trị trước cộng đồng quốc tế, tạo tiền đề lớn cho khát vọng lập quốc của họ.

Hiện nay, dường như chính quyền Washington đang thực hiện đúng những bước đi đã từng thực hiện ở Iraq.

Không còn cách giải thích nào khác cho việc Mỹ thiết lập vùng cấm bay trong khu vực kiểm soát rộng lớn của SDF là nhằm loại bỏ sự kiểm soát của chính quyền Damascus với khu vực này, tạo tiền đề để người Kurd thiết lập quyền tự trị thực tế ở Syria, nối liền hai khu vực kiemr soát của người Kurd ở Syria và Iraq.

Như vậy, Mỹ đã tạo được một “khu vực kiểm soát thực tế” của mình ở lãnh thổ hai nước này, từng bước hoàn thành chiến lược dùng người Kurd vẽ lại bản đồ Trung Đông.

Theo Thiên Nam

Báo Đất việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm