1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lần đầu đối thoại trực tiếp với phái viên của Gadhafi

(Dân trí) - Các quan chức Mỹ đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với đặc phái viên của nhà lãnh đạo Libya Gadhafi, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.

 
Mỹ lần đầu đối thoại trực tiếp với phái viên của Gadhafi - 1
Các thành viên thuộc phe nổi dậy Libya cầu nguyện gần một những chiếc xe của họ tại thị trấn Bir Ghanam.

Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa quan chức 2 nước kể từ khi chiến dịch không kích của NATO bắt đầu 4 tháng trước.

Mỹ cho hay cuộc gặp đã tái khẳng định yêu cầu của nước này rằng Đại tá Gadhafi phải từ chức và không liên quan tới bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nói các quan chức đã đưa ra cho các đại diện của ông Gadhafi một “thông điệp rõ ràng và kiên quyết” rằng nhà lãnh đạo Libya phải ra đi.

“Thông điệp của Mỹ đơn giản và rõ ràng - Gadhafi phải rời bỏ quyền lực để một tiến trình chính trị mới có thể bắt đầu nhằm phản ánh nguyện vọng và mong muốn của nhân dân Libya”, tuyên bố viết.

Mỹ không tiết lộ địa điểm gặp gỡ nhưng Libya cho hay cuộc gặp diễn ra hôm thứ 7 tuần trước tại quốc gia láng giềng Tunisia.

Phát ngôn viên chính phủ Libya Moussa Ibrahim đã hoan nghênh cuộc đối thoại là một bước quan trọng nhằm “hàn gắn quan hệ” với Mỹ. Ông Ibrahim nói thêm rằng Libya ủng hộ đối thoại với Mỹ nhưng chỉ làm vậy khi không có các điều kiện tiên quyết.

Washington cho biết ông Jeffrey Feltman, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Cận Đông, và đại sứ Mỹ tại Libya Gene Cretz đã tham gia cuộc đối thoại nhưng không tiết lộ ai là đại diện của phía Libya.

Các quan chức Mỹ nói không có kế hoạch tổ chức thêm cuộc gặp gỡ nào nữa “vì thông điệp đã được chuyển đi”.

Các lực lượng Mỹ đã tham gia chiến dịch quân sự tại Libya sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết hồi tháng 3 cho phép can thiệp quân sự nhằm bảo vệ dân thường Libya khỏi các lực lượng của nhà lãnh đạo Gadhafi.

Sau nghị quyết, Mỹ đã đảm nhận vai trò đi đầu trong cuộc không kích. NATO sau đó đã tiếp quản quyền chỉ huy - mặc dù Mỹ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ.

An Bình
Theo BBC