1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lại dọa trừng phạt Nga nếu bầu cử Ukraine bất thành

(Dân trí) - Phát biểu trong chuyến công du tới Romania, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lại có những đe dọa gia tăng cấm vận nhắm vào Nga, nếu Mátxcơva khiến cho cuộc bầu cử Ukraine bị gián đoạn.

Công tác chuẩn bị bầu cử đang diễn ra khẩn trương tại Ukraine
Công tác chuẩn bị bầu cử đang diễn ra khẩn trương tại Ukraine

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa sẽ gia tăng các lệnh cấm vận đối với Mátxcơva nếu Nga có động thái làm dán đoạn cuộc bầu cử Tổng thống ngày Chủ nhật này, vốn được xem như thiết yếu để ngăn ngừa một cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước cuộc bầu cử, bạo lực dường như đã hạ nhiệt ở miền Đông, nơi quân đội Ukraine đã phải chiến đấu trong suốt gần 6 tuần qua, để trấn áp những người ly khai thân Nga.

Người dân ở miền Đông “đang dần hiểu rằng những kẻ khủng bố ly khai đang đưa khu vực này xuống vực”, quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov tuyên bố trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới thành phố điểm nóng Slavyansk.

Trong một bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng trước sức ép của phương Tây, Nga đã tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine, và chính quyền Kiev đã xác nhận thông tin này.

“Nếu Nga làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ngày Chủ nhật, chúng ta phải cương quyết trong việc áp đặt những trừng phạt mạnh mẽ hơn”, ông Biden phát biểu tại Romania. “Tất cả các nước nên dùng ảnh hưởng của họ để thúc đẩy môi trường ổn định cho người Ukraine đi bỏ phiếu một cách tự do”.

Ukraine khẳng định sẽ triển khai 55.000 cảnh sát và 20.000 tình nguyện viên để đảm bảo an ninh cho ngày bầu cử.

Ông Biden cũng ngợi khen chính quyền Kiev thân phương Tây vì “đã có bước đi để gắn kết người Ukraine từ mọi vùng miền của đất nước, tại miền Đông và miền Nam trong vấn đề cải cách hiến pháp”.

Cùng với các hoạt động quân sự chống lại những người ly khai, chính quyền Kiev hôm qua đã tổ chức vòng đối thoại đoàn kết dân tộc mới, theo một kế hoạch hòa bình được châu Âu hậu thuẫn.

2 phiên đàm phán bàn tròn trước đó đã thất bại do không tạo được tiến bộ nào, khi chính phủ Ukraine vẫn từ chối mời những người ly khai.

Tuy vậy, quốc hội Ukraine đã đồng ý xem xét một biện pháp hòa giải cho phép các khu vực trên có nhiều quyền lực hơn, và đảm bảo quyền nói tiếng Nga tại các cơ quan công quyền sẽ được ghi vào hiến pháp. Đây là một trong những đòi hỏi chính của những người ly khai.

Thanh Tùng
Theo AFP