1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ kiềm tỏa chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Mỹ dự kiến sẽ có nhiều biện pháp phủ đầu và được lên kế hoạch sẵn sàng để đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ kiềm tỏa chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông - 1

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)

Nhận định trên của các nhà phân tích từ Mỹ và Australia được đưa ra sau lời kêu gọi hôm 6/2 của Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, về việc triển khai các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với sự gây hấn “vùng xám” của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn những vụ căng thẳng trên biển leo thang thành xung đột bùng nổ.

Chiến thuật “vùng xám” trên biển của Trung Quốc bao gồm các hành động gây hấn ở dưới ngưỡng có thể tạo ra xung đột quân sự. Chiến thuật này cho phép Trung Quốc sử dụng dân quân biển hơn là hải quân trong các cuộc xung đột nhằm tránh đối đầu quân sự vì dân quân biển được xem là lực lượng dân sự.

Đô đốc Richardson cho biết Mỹ cần tìm cách thực thi các quy tắc đối với lực lượng cảnh sát biển và tàu cá dân quân biển của Trung Quốc. Đây chính là hai ví dụ điển hình về các tàu phi quân sự “vùng xám” có thể gây ra các vụ chạm trán thiếu chuyên nghiệp với các tàu của Hải quân Mỹ.

Lyle Morris, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Washington, nhận định phát biểu của Đô đốc Richardson đã cho thấy “sự chuyển biến quan trọng” trong tính toán của Mỹ. Tư lệnh Hải quân Mỹ cho rằng Washington nên chủ động hơn trong việc đối phó với thách thức “vùng xám” của Trung Quốc.

“Các động thái kiểu “vùng xám” xóa nhòa ranh giới giữa khái niệm quân sự và phi quân sự và thường được sử dụng để khẳng định yêu sách lãnh thổ”, chuyên gia Morris nhận định.

Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc bao gồm việc triển khai các tàu hải cảnh phi quân sự và tàu dân quân nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo nhà phân tích Morris, người nghiên cứu về diễn biến an ninh tại các vùng biển này, sự hiện diện phi quân sự của Trung Quốc buộc các nước khác không thể hoạt động tại các vùng biển tranh chấp.

Các chuyên gia từ Mỹ và Australia cũng đồng tình với nhận định trên. Báo cáo do Đại học Sydney và Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện nghiên cứu chính sách tại Honolulu, công bố hôm 8/2 cũng hối thúc Mỹ phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh để đẩy lùi sự gây hấn do chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.

Các biện pháp được sử dụng có thể bao gồm việc thiết lập các lằn ranh đỏ và gia nhập các liên minh khả thi với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường năng lực răn đe.

Chiến lược hải cảnh Trung Quốc

Mỹ kiềm tỏa chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông - 2

Các tàu Trung Quốc di chuyển dày đặc gần đảo Thị Tứ hồi tháng 12/2018. (Ảnh: AMTI)

Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ sử dụng hạm đội hải cảnh để tăng cường hiện diện bán quân sự trên Biển Đông, củng cố yêu sách chủ quyền và cản trở hoạt động của các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã tăng cường vị thế của hải cảnh khi đặt lực lượng này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương và chỉ đạo lực lượng hải cảnh chuẩn bị tốt hơn cho các vụ việc xảy ra tại các vùng biển tranh chấp.

Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Australia), cho rằng hải cảnh Trung Quốc “đóng vai trò then chốt trong các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết của Bắc Kinh bằng cách tuần tra ở các khu vực tranh chấp để củng cố yêu sách hàng hải của nước này”.

“Điều này giúp Hải quân rảnh tay trong việc thực thi sức mạnh ở các khu vực xa bờ biển Trung Quốc hơn”, chuyên gia Ni cho biết.

Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành tái cơ cấu các cơ quan an ninh, trong đó Cục Hải dương Nhà nước, cơ quan trước đây giám sát lực lượng hải cảnh cùng với Bộ Công an, đã được sáp nhập vào Bộ Tài nguyên.

Lực lượng hải cảnh sau đó trở thành một phần của Lực lượng cảnh sát vũ trang, cơ quan nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Quân ủy trung ương Trung Quốc. Động thái này nhằm cải thiện sự phối hợp giữa quân đội với lực lượng chấp pháp trên biển, trong khi trước đó các lực lượng thường nằm rải rác ở nhiều cơ quan khác nhau.

Trung Quốc từ lâu đã muốn hạm đội hải cảnh là lực lượng tuyến đầu tại các vùng biển tranh chấp, còn để hải quân là lực lượng đóng vai trò hậu thuẫn phía sau. Trước đó, theo cơ chế cũ, cục hải dương không có thẩm quyền với quân đội, do vậy sự phối hợp giữa hải cảnh và hải quân rất lỏng lẻo.

Việc tái cơ cấu cũng mở ra một giai đoạn mới kết hợp hải cảnh và hải quân, bao gồm một cuộc tập trận chung của Bộ tư lệnh phía nam Trung Quốc và hải cảnh hồi tháng 8/2018. Hải quân Trung Quốc cũng đã đưa một số sỹ quan của lực lượng này sang hải cảnh, bao gồm chuẩn đô đốc Wang Zhongcai vừa được bổ nhiệm làm tư lệnh hải cảnh từ tháng 12/2018.

Các hình ảnh vệ tinh do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải công bố hôm 7/2 cho thấy Trung Quốc đã đưa 95 tàu, gồm các tàu hải quân và hải cảnh tới áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

“Việc triển khai tàu lần này cũng giống như các trường hợp trước đây cho thấy “chiến lược bắp cải” của Trung Quốc, tức là điều nhiều lớp tàu đánh cá, tàu hải quân và hải cảnh tới quanh khu vực tranh chấp”, báo cáo của AMTI nêu rõ.

“Trong một số trường hợp, hải quân, hải cảnh và dân quân Trung Quốc đã thực thi “chiến lược bắp cải” để hăm dọa các lực lượng quân sự và ngư dân, đồng thời bao vây một khu vực tranh chấp. Giống như một chiếc bắp cải, một số tàu Trung Quốc sẽ bao vây các vùng biển khi họ tìm cách hăm dọa các binh sĩ và ngăn cản kiểm soát các đảo”, nghị sĩ Philippines Gary Alejano nói.

Theo Jin Yongming, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hải dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, việc kết hợp hải quân và hải cảnh giúp Trung Quốc xử lý các tình huống khẩn cấp tại các vùng biển tranh chấp hiệu quả hơn. Chuyên gia hàng hải Collin Koh tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore cho rằng các lực lượng chấp pháp trên biển như hải cảnh được cho là đỡ gây rắc rối hơn cho Trung Quốc so với các lực lượng hải quân.

“Triển khai hải cảnh trên tuyến đầu có vẻ ít gây hấn hơn, ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên hiện nay có nhiều nghi ngại rằng liệu điều này có đúng hay không vì sử dụng hải cảnh có thể che giấu những hành vi gây hấn thực sự tại các điểm nóng trên biển”, chuyên gia Koh nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP