1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ không nhường Trung Quốc

Ngày 12-4, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cảnh báo, mọi động thái của Trung Quốc nhằm biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp thành đảo nhân tạo sẽ làm leo thang các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Washington thuyết phục Bắc Kinh không thực hiện bước đi “khiêu khích nghiêm trọng” này.

Tờ Asahi Shimbun cũng dẫn lời Đại sứ Jose Cuisia cho biết, năm 2016 Philippines nhận 75 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ, trong khi con số này năm 2015 là 50 triệu USD. Và 2016 sẽ là năm Manila nhận được viện trợ quân sự nhiều nhất từ Washington sau khi quân đội Mỹ quay trở lại Philippines.

Đại sứ Jose Cuisia còn cho biết thêm, Manila đang đàm phán với Washington về việc tiếp nhận tàu hộ tống lớp Hamilton thứ 4 để tăng cường năng lực tuần tra trên biển. Trước đó, tờ Sun Star từng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ dành cho Philippines 40 triệu USD viện trợ quân sự, tăng cường chia sẻ tình báo, giám sát và tuần tra, và sự viện trợ này sẽ giúp cho Mỹ - Philippines nâng cấp lên “một cấp độ mới”.

Trong khi đó, một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines cho biết, Washington sẽ cấp cho Manila khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 120 triệu USD, mức cao nhất trong khoảng 15 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob J. Lew
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob J. Lew

Giới chức quốc phòng Mỹ cũng đang theo dõi sát số tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham bởi ông Ashton Carter sẽ tới Philippines vào cuối tuần này để thảo luận về các mối đe dọa trong khu vực.

Ngày 11-4, tờ The Philippine Star cho biết, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã áp sát và người trên tàu chĩa súng đe dọa ngư dân Renato Etac đang trên tàu cá của mình, buộc ông rời khỏi ngư trường quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc chĩa súng đe dọa, xua đuổi ngư dân khỏi ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vừa trở thành tâm điểm của giới truyền thông Philippines. Theo thống kê, hiện có hơn 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại ngư trường quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Cũng trong ngày 11-4, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, sau chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ tới Philippines, để hội kiến với Tổng thống Benigno Aquino, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin, thăm căn cứ huấn luyện Magsaysay của lục quân Philippines và căn cứ không quân Antonio Bautista.

Và trong thời gian thăm Manila, ông Ashton Carter sẽ quan sát cuộc tập trận chung Balikatan 2016 giữa Mỹ và Philippines đang tiến hành ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quan sát cuộc tập trận này và ông chủ Lầu Năm Góc sẽ khẳng định vị thế “trung tâm” và “làm mẫu” của Philippines trong chiến lược tái cân bằng của Washington tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Từ tháng 1-2016, ông Ashton Carter đã gọi Philippines là “bộ phận trung tâm” của chiến lược tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng ngày 11-4, tờ Deutsche Welle cho biết, khi phát biểu tại Hiệp hội quan hệ ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã kêu gọi tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo của Washington trong nền kinh tế thế giới, không thể nhường vị trí này cho Trung Quốc.

Theo giới truyền thông, ngay những ngày đầu tiên của cuộc tập trận chung Balikatan 2016 ở Philippines, Mỹ đã sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao M142/High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS) phóng 6 quả đạn tên lửa, với tầm bắn có thể vươn đến mọi đảo và bãi đá trên Biển Đông. Hệ thống tên lửa này có thể phát hiện, khóa mục tiêu trong vòng 16 giây.

Tờ Defend News dẫn lời học giả Richard Heydarian, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle ở Manila cho rằng, cuộc tập trận Mỹ - Philippines nhằm gửi đi tín hiệu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần.

Trước đó, Giáo sư Richard Javad Heydarian còn cảnh báo, Philippines có nguy cơ thua trong vụ kiện “đường lưỡi bò”, nếu Đài Loan thuyết phục được Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan (PCA) rằng, đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một hòn đảo, chứ không phải là một bãi đá. Chính vì điều này nên Đài Loan đã xây trái phép một bệnh viện gồm 10 giường, một trạm hải đăng và trạm hỗ trợ chế biến cá ở đảo Ba Bình. Học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á coi lập trường về đảo Ba Bình là cách lãnh đạo Đài Loan tiếp tay cho nỗ lực bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham

Tiến sĩ Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á và tiến sĩ Zack Cooper, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), vừa mới có bài bình luận trên cổng thông tin điện tử của CSIS về khả năng diễn biến trên Biển Đông sau phán quyết của PCA. Cả 2 tiến sĩ kể trên đều tin rằng, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thua kiện trong một số nội dung mà Manila khởi kiện xung quanh “đường lưỡi bò”. Nếu PCA ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không tuân thủ và sẽ có động thái nhằm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Thứ nhất, áp đặt một lệnh phong tỏa quân đội Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ hai, sẽ triển khai bất hợp pháp các loại vũ khí hiện đại tới một số đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa. Thứ ba, đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Thứ tư, tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (chiếm quyền kiểm soát từ tháng 4-2012).

Và điều này từng được Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ cảnh báo. Theo giới quân sự, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm cách đảo Luzon 120 hải lý, cách thủ đô Manila 185 hải lý, cách quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên 250 hải lý. Nếu Bắc Kinh xây dựng được một tiền đồn quân sự vững chắc ở đây, quân đội Trung Quốc có thể duy trì sự hiện diện bất hợp pháp gần như trên khắp Biển Đông.

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan dẫn thông tin từ Phủ Tổng thống Philippines cho biết, Tổng thống Benigno Aquino đã thành lập “Tiểu ban công tác đặc biệt toàn quốc biển Tây Philippines”, để thống nhất quản lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Tiểu ban công tác này do Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Cesar Garcia làm Chủ tịch. Thành viên của tiểu ban này gồm quan chức cấp Thứ trưởng của gần 20 cơ quan chính phủ, nhằm thống nhất hành động trong vấn đề Biển Đông.

Trước đó, Tổng thống Benigno Aquino đã bổ nhiệm ông Jose Almendras làm Ngoại trưởng, thay thế ông Albert del Rosario, người được coi là "kiến trúc sư" của vụ kiện “đường lưỡi bò”

Theo

PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm