1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ khẳng định thỏa thuận AUKUS "không nhắm vào quốc gia nào"

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Indonesia khẳng định, thỏa thuận an ninh AUKUS không đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia nào.

Mỹ khẳng định thỏa thuận AUKUS không nhắm vào quốc gia nào - 1

Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim (Ảnh: Reuters).

"Thỏa thuận này sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác liên tục của chúng tôi với các quốc gia quan trọng như Indonesia để đảm bảo rằng chúng ta có một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tôn trọng pháp quyền", Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm nay 29/9.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/9 đã công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn gọi là AUKUS. AUKUS cho phép Mỹ và Anh chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến và công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.

Indonesia lo ngại thỏa thuận AUKUS sẽ làm trầm trọng thêm một "cuộc chạy đua vũ trang và phô diễn sức mạnh" trong khu vực. Malaysia cũng có lo ngại tương tự.

Đại sứ Kim cho biết ông không lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang hay phổ biến vũ khí hạt nhân sau thỏa thuận AUKUS. Nhà ngoại giao Mỹ gọi đây là một sáng kiến "tích cực, hướng tới tương lai" và có lợi cho Indonesia cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Đại sứ Mỹ khẳng định AUKUS không dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Tôi không lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hay phổ biến vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ rằng cả 3 quốc gia (Mỹ, Anh, Australia) đều cam kết mạnh mẽ về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Australia đã thể hiện cam kết đầy đủ của mình đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, vì vậy chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng xử lý bất kỳ mối lo ngại nào về phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Sung Kim cho biết.

Nhằm trấn an Indonesia và các nước trong khu vực, ông Kim nhấn mạnh thỏa thuận AUKUS không "nhằm vào bất kỳ quốc gia nào".

Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả AUKUS là thỏa thuận "lịch sử", cho thấy quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mặc dù giới chức Mỹ khẳng định sự ra đời của AUKUS không nhằm chống lại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này đã báo hiệu sự thay đổi về chiến lược và chính sách trên toàn khu vực, trong đó phải tính đến Bắc Kinh.

Theo Reuters, AUKUS chủ yếu được xem là phản ứng của các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn những hành vi cứng rắn của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng trong thương mại toàn cầu.

Indonesia hồi đầu tháng đã tăng cường tuần tra để phản ứng trước động thái của các tàu Mỹ và Trung Quốc.

"Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào, kể cả Indonesia, phải đưa ra lựa chọn giữa Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác", ông Kim nói về AUKUS, đồng thời cho biết Mỹ, Anh và Australia đều tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác địa chính trị khác nhau được cho là nhằm đối phó Trung Quốc, trong đó có nỗ lực thúc đẩy quan hệ với NATO, G7, Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), Ngũ Nhãn (Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Australia). Tuần tới, ông Biden sẽ tiếp các lãnh đạo Bộ Tứ trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của khối này tại Nhà Trắng.

Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào các quan hệ đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Giới phân tích cho rằng thỏa thuận AUKUS có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước này trước những lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.