Mỹ - Iran liệu có đạt được thỏa thuận hạt nhân mới?
(Dân trí) - Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ vẫn khó khăn, nhưng giới chuyên gia cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận không phải không có.

Ngày 8/5/2018, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran, vốn đã được dỡ bỏ từ khi thỏa thuận có hiệu lực. Sự kiện này đã mở ra một chương đầy căng thẳng - thậm chí có đổ máu - trong quan hệ giữa 2 nước.
Gần 7 năm sau, ông Trump dường như đã thay đổi suy nghĩ. Ngày 7/4, cũng tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố 2 nước sẽ bắt đầu đàm phán trực tiếp từ ngày 12/4 tại Oman.
"Tôi nghĩ mọi người đều đồng ý rằng việc đạt được một thỏa thuận sẽ tốt hơn", ông Trump nói. Iran sau đó đã xác nhận thông tin này dù khẳng định hai bên sẽ chỉ đàm phán gián tiếp thông qua trung gian Oman, cũng là nước chủ nhà.
Ông Hossein Mousavian, nhà ngoại giao Iran từng tham gia đàm phán hạt nhân, cho rằng hai bên nhiều khả năng sẽ khởi động cuộc đàm phán dưới hình thức gián tiếp. Nếu tình hình diễn biến khả quan, sau 1-2 giờ, đại diện 2 nước có thể gặp mặt trực tiếp.
"Dường như Washington và Tehran đã lựa chọn cách tiếp cận khôn ngoan, mở ra cơ hội đạt được thỏa thuận", ông Mousavian viết trên mạng xã hội X.
Bước chuẩn bị hậu trường
Cuộc đàm phán lần này được coi là bước đột phá trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump hoàn toàn không phải "từ trên trời rơi xuống" mà hai bên đã có những sự chuẩn bị nhất định.
Một nguồn tin của CNN cho biết hồi tháng trước, ông Trump đã gửi thư tới nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei để đề nghị đàm phán. Trong bức thư, ông Trump đặt ra thời hạn cho Iran là 2 tháng.
Vài ngày sau đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Mỹ, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp. "Chúng tôi không tránh đàm phán", ông nói trên truyền hình.
Theo các nguồn tin của New Arab/Al-Araby Al-Jadeed, Iran đã nhờ Oman chuyển câu trả lời cho lá thư của ông Trump tới phía Mỹ.
"Chính việc phản hồi - thay vì ngó lơ thông điệp của ông Trump - đã giúp phá thế kẹt ngoại giao", một nguồn tin nói. Sau đó, Tehran đã nhận được thông điệp từ Washington rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán sớm.
Phía Iran cho biết đại diện của Iran sẽ là Ngoại trưởng Abbas Araghchi và đại diện của Mỹ sẽ là ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump. Trung gian sẽ là Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Albusaidi.
Ông Trita Parsi, nhà sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Điều hành Viện Quincy (Mỹ), chỉ ra ông Trump đã có thể đưa Iran vào bàn đàm phán - điều ông Biden không làm được - do Iran tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với chính quyền mới.
"Tehran dường như tin rằng ông Trump thực sự muốn có một thỏa thuận và sẵn sàng - cũng như có khả năng - đề xuất các biện pháp dỡ bỏ cấm vận nghiêm túc để đạt được điều đó", ông Parsi nhận xét. "Ông Biden không bao giờ được như vậy. Đối với cựu tổng thống, việc dỡ bỏ cấm vận là điều quá gây tổn hại".
"Tổng thống (Trump) thực sự muốn đàm phán", ông Elliott Abrams, cựu đặc phái viên của ông Trump về Iran và là chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận xét. "Theo tôi, câu hỏi là: Tổng thống chấp nhận thế nào là thành công trong đàm phán?".

Ông Trump ký sắc lệnh tái áp đặt trừng phạt Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 (Nguồn: NYT).
Mục tiêu còn khác biệt
Mục tiêu của Iran sẽ là thoát khỏi - hoặc nới lỏng - các lệnh cấm vận, vốn đã gây ra hậu quả tiêu cực tới nền kinh tế Iran trong nhiều năm qua. Nước này cũng muốn cộng đồng quốc tế công nhận chương trình hạt nhân, cho phép nước này có quyền làm giàu uranium ở mức độ nhất định.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ đạt được một thỏa thuận "mạnh mẽ hơn" so với thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Các quan chức Mỹ bày tỏ mong muốn hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Tehran - thay vì vẫn cho phép Iran phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Kế hoạch này được Israel ủng hộ. Dù vậy, Iran phản đối gay gắt và coi đây là điều không thể xảy ra. Giới chuyên gia cho rằng chương trình hạt nhân có vai trò quan trọng đối với Iran do đây là điểm hiếm hoi giúp nước này duy trì sức nặng đàm phán trong bối cảnh liên minh khu vực do Tehran dẫn dắt đang suy yếu.
Ngoài ra, hai bên cũng có thể thảo luận về các vấn đề ngoài hạt nhân như lực lượng Houthi tại Yemen - lực lượng được Iran hậu thuẫn - hay các thương vụ bán dầu của Iran cho Trung Quốc, theo Al Jazeera. Tuy nhiên, Tehran đến nay vẫn bác bỏ khả năng này.
Hồi năm 2015, Iran và các cường quốc - bao gồm Mỹ - đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Tehran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Tuy vậy, ông Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2018 với lý do thỏa thuận này "thất bại trong việc đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ". Để trả đũa, Iran đã tiếp tục chương trình hạt nhân và đạt được những thành quả đáng kể.
Hồi tháng 12/2024, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố Iran đã đẩy nhanh làm giàu uranium tới mức tinh khiết 60%, gần với mức khoảng 90% đủ để chế tạo vũ khí. Trong khi đó, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích hòa bình.
Giờ đây, khi 2 nước chuẩn bị bước vào đàm phán, cả hai vẫn giữ các tuyên bố gây sức ép với đối phương. Trong khi ông Trump cảnh báo Iran sẽ gặp "nguy hiểm lớn" nếu đàm phán thất bại, phía Iran tuyên bố thành bại của cuộc đàm phán phụ thuộc vào phía Mỹ.
"Bóng đang ở sân của Mỹ", ông Araghchi viết trên một bài bình luận được Washington Post đăng tải.