1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Iran khó thoát bờ vực chiến tranh

Vụ Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ đánh dấu bước leo thang mới và gây lo ngại về nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn diện. Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi đối thoại, nhưng có rất ít lý do để tin tình thế căng thẳng này sẽ sớm hạ nhiệt.

Mỹ - Iran khó thoát bờ vực chiến tranh - 1

Một quân nhân Mỹ đang kiểm tra chiếc máy bay tuần tra không người lái RQ-4 Global Hawk. (Ảnh: AP)

Hai nước đối đầu đều xác nhận thông tin Iran bắn rơi một máy bay do thám của Mỹ. Nhưng Washington khăng khăng rằng máy bay đó bị bắn rơi khi đang trên vùng biển quốc tế ở Eo biển Hormuz, còn Tehran cáo buộc máy bay này vi phạm không phận của họ.

Một điểm mà hầu hết mọi người đều đồng ý là vụ việc này liên quan đến chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông Trump nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Iran và giảm ảnh hưởng của nước này ở khu vực.

Dù nhiều lần nói không muốn chiến tranh, ông Trump gửi đi những tín hiệu lẫn lộn về vụ việc lần này. Ông cảnh báo Iran đã “mắc phải sai lầm lớn”, nhưng cũng nói ý rằng một viên tướng Iran “lỏng lẻo và ngu ngốc” đã bắn rơi chiếc máy bay.

Ông Behnam Ben Taleblu, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ quốc phòng dân chủ, một tổ chức ủng hộ chính sách cứng rắn với Iran, cho rằng Iran sẽ tiếp tục có hành động leo thang “cho đến khi được khuyến khích không làm như vậy”.

“Iran có thể tính toán rằng Mỹ sẽ không đáp trả bằng cái gì khác ngoài các biện pháp trừng phạt – một mệnh đề có thể đúng ngày nay, nhưng có thể thay đổi qua thời gian nếu sự leo thang của Iran trở nên quá nghiêm trọng”, ông Ben Taleblu nói.

Mỹ cũng đổ lỗi cho Iran gây ra hàng loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu ở Trung Đông, nhưng Tehran bác bỏ.

Ông Ben Taleblu cho rằng Iran có mục đích chính trị lớn hơn, nhưng có thể sẽ xuống nước nếu Mỹ cứng rắng hơn hoặc “đáp trả có mức độ”.

“Sự leo thang cũng được thiết kế để tăng chi phí kiên trì với chính quyền Trump và có thể dụ dỗ Washington đi đến ngoại giao chưa chín muồi và các biện pháp trừng phạt xuống nước”, ông nói.

Khó hy vọng đối thoại

Dọa sẽ xóa sạch Triều Tiên trước khi chào đón nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi vào bàn đối thoại, ông Trump cũng nhiều lần thăm dò Iran theo cách tương tự với hy vọng sẽ mở ra tiến trình đối thoại, các nhà ngoại giao nhận định.

Nhưng Iran từ chối đề nghị kiểu này, từ chối đối thoại một chính quyền luôn muốn đẩy họ đến suy thoái bằng các biện pháp trừng phạt và quay lưng với thỏa thuận hạt nhân mà cựu Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực thúc đẩy.

Ông Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm khủng hoảng quốc tế, một tổ chức luôn ủng hộ giải quyết hòa bình các quan hệ căng thẳng, hoài nghi khả năng Tehran sẽ chấp nhận đề xuất đàm phán của ông Trump một cách nghiêm túc “chừng nào ông ấy còn chĩa súng vào đầu Iran”.

Bất kỳ phản ứng quân sự nào của Mỹ đối với vụ bắn rơi máy bay lần này cũng có thể dẫn đến hành động trả đũa tiếp theo, ông Vaez nói.

“Nhưng một phản ứng không tương xứng sẽ là sai lầm nghiêm trọng, vì có thể châm ngòi một cuộc xung đột dễ mất khả năng kiểm soát”, ông Vaez đánh giá.

Chuyên gia này cho rằng 2 nước vẫn có thể tìm ra cách rút khỏi bờ vực chiến tranh, như lập đường dây nóng giữa 2 quân đội.

Các đối thủ Dân chủ của ông Trump nói rằng những hành động của Iran hoàn toàn có thể dự đoán được sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các thanh sát viên Liên Hợp quốc khẳng định Tehran vẫn đang tuân thủ.

“Chúng ta đang nói với Iran rằng chúng ta đã đàm phán, các ông đồng ý, nhưng nay chúng tôi phá bỏ thỏa thuận để đàm phán lại”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley nói.

“Mọi người không muốn đàm phán với những người đã phá thỏa thuận trước”, ông Merkely nói trước Thượng viện, và cảnh báo nước Mỹ “đang đứng trên vách đá của một cuộc chiến tranh tiềm tàng”.

Cả hai phe cùng rắn

Đến cuối thời chính quyền Obama, kinh tế Iran đang trên đà phục hồi và chính quyền ôn hòa của họ duy trì liên lạc định kỳ với Mỹ. Đây là sự thay đổi bước ngoặt sau 4 thập kỷ thù địch giữa hai nước, kể từ Cách mạng Iran.

Khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra 12 yêu cầu với Iran mà gần như ai cũng cho rằng Tehran sẽ không làm, như việc từ bỏ các đồng minh ở Trung Đông, nơi Mỹ đang hậu thuẫn cho đối thủ của Iran là Ả-rập Xê-út.

Ông Colin Kahl, một cựu trợ lý dưới thời Obama ở ĐH Standford, gần đây nêu ra bối cảnh về cách mà Iran và Mỹ có thể đi đến chiến tranh, đặc biệt nếu Tehran cảm thấy các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ là nhằm bóp chết ngành xuất khẩu dầu khí của nước này.

Ông Kahl viết trên Twitter rằng ông Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton dường như đang cố đưa ông Trump vào một cuộc chiến, trong khi Lầu Năm góc có quan điểm thận trọng hơn đang bị gạt ra rìa, với diễn biến mới nhất là sự ra đi của quyền bộ trưởng quốc phòng Patrick Shanahan.

“Một điểm chủ chốt là nếu leo thang xảy ra, đó sẽ không phải là máy bay không người lái, mà là sở thích cứng rắn hơn của những người ở cả hai phía”, ông Kahl nói.

Theo Bình Giang

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm