1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ im lặng khi hoạt động gián điệp tại Trung Quốc bị phá

Tình trạng thiếu nguồn lực và sự phối hợp giữa Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) của Mỹ khiến hoạt động gián điệp của Washington tại Trung Quốc có những lỗ hổng dễ bị khai thác.

Trang Politico đưa tin vào tháng 1-2016, một nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị nhân viên an ninh mặc thường phục "bắt cóc" ở TP Thành Đô – Trung Quốc, sau đó bị thẩm vấn qua đêm. Người này buộc phải thừa nhận sự liên quan tới các hoạt động gián điệp.

Sau khi hay tin, Washington đã cử người đến "giải cứu" nhân viên của mình và đưa ông rời khỏi Trung Quốc.

Theo Politico, nhân viên lãnh sự quán Mỹ nói trên bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giữ vì họ tin rằng ông là nhân viên của CIA.

Đầu năm nay, báo The New York Times tiết lộ hơn 10 đặc vụ làm việc cho Washington mất mạng hoặc bị tống giam ở Trung Quốc từ năm 2010-2012.

Tạp chí Newsweek cũng mô tả cách đây 1 thập kỷ, lực lượng an ninh Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các công nhân người Mỹ phụ trách xây dựng Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, mua chuộc họ bằng gái bán dâm. Để rồi ngày hôm nay, nhân viên CIA phải "nói chuyện thì thầm khi ở trong đại sứ quán do sợ bị nghe lén".

Ngoài ra, cựu quan chức CIA Kevin Mallory và cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Candace Marie Claiborne bị buộc tội trong năm nay về việc tuồn bí mật nhà nước cho Trung Quốc.


Tòa nhà nơi được cho là nơi đặt Đơn vị 61398 chịu trách nhiệm phần lớn hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc chống lại Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tòa nhà nơi được cho là nơi đặt "Đơn vị 61398" chịu trách nhiệm phần lớn hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc chống lại Mỹ. Ảnh: REUTERS

Những thông tin trên cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo về người Mỹ. Dù vậy, Washington lại giữ im lặng về chuyện này vì một số lý do, như chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên và nỗi lo các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc bị tổn thất nếu mọi chuyện bị công khai.

Mỹ có thể cũng không muốn thảo luận với Trung Quốc về các vụ bắt giữ nói trên, dù là công khai hoặc đằng sau những cánh cửa đóng kín.

"Ngay cả khi các quốc gia do thám các quốc gia khác, họ vẫn hợp tác với nhau. Nếu hoạt động gián điệp gây tranh cãi lớn, sự hợp tác sẽ khó khăn hơn" – báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời cựu nhân viên ngoại giao Robert Daly ở Bắc Kinh, nhận định.

"Với trường hợp của Trung Quốc, nếu Mỹ làm rùm beng trên báo chí, 2 nước sẽ khó hợp tác với nhau hơn trong vấn đề Triều Tiên" - ông Daly giải thích.

Những hành động khiêu khích về quân sự của Triều Tiên sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới theo kế hoạch. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp quốc (LHQ) Nikki Haley cũng làm việc với người đồng cấp Trung Quốc để giúp 2 biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua trong năm nay.

Nỗ lực do thám Mỹ của Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn sau khi truyền thông đưa tin về vụ tấn công mạng bị quy trách nhiệm cho Trung Quốc nhằm vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) năm 2015. Vụ việc này khiến dữ liệu của hàng ngàn nhân viên liên bang Mỹ bị rò rỉ, trong đó có số an sinh xã hội, ngày sinh, chi tiết về các mối quan hệ cá nhân…

"Mỹ có nhiều lỗ hổng mà người Trung Quốc có thể khai thác. Đây luôn là những vấn đề lớn bởi tình trạng thiếu kinh phí và sự phối hợp giữa CIA và FBI" – ông Daly bổ sung.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động