Mỹ - EU chung đường đến Iraq
Ngày 22/6, hội nghị bàn về tương lai Iraq được khai mạc tại Brussels (Bỉ) với sự tham gia của các bộ trưởng và lãnh đạo từ hơn 80 quốc gia và tổ chức thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - vốn bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2003 - quyết tâm gạt bỏ mọi bất đồng giữa hai bên để cùng tổ chức các cuộc họp tại Brussels với sự tham dự của các lãnh đạo Iraq và các nước lân bang.
"Mục đích là tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Iraq", một nhà ngoại giao EU cho biết. Các nhà tổ chức nhấn mạnh hội nghị kéo dài một ngày này không nhằm mục đích gây quỹ tái thiết Iraq mà để truyền tải thông điệp chính trị.
Baghdad cũng nhất trí với quan điểm trên. Ngoại trưởng Iraq H.Zebari khẳng định: "Đối với chúng tôi, đây không phải là hội nghị để xin tài trợ. Chúng tôi không định liệt kê các mong ước của mình. Chúng tôi chỉ muốn thể hiện cho thế giới thấy tầm nhìn của chúng tôi về tương lai đất nước".
Thông qua hội nghị, Iraq mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ chính phủ lâm thời hiện nay cũng như giúp soạn thảo hiến pháp trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới vào cuối năm nay.
Về vấn đề kinh tế, Iraq muốn những nước tài trợ thực hiện các cam kết xóa nợ cho mình. Hồi năm ngoái, các nước thuộc Câu lạc bộ Paris trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Nga và các quốc gia EU cam kết xóa hơn 80% nợ của Iraq (khoảng 320 tỉ USD). Tuy nhiên đến nay chỉ có một số nước thực hiện cam kết trên.
Iraq cũng hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ giúp cải thiện hệ thống pháp luật, an ninh mà nước này đang rất cần để tăng cường sức mạnh chống lại các cuộc bạo động ngày càng gia tăng. Về vấn đề này, EU sẽ phát động một chiến dịch vào tháng tới huấn luyện 800 quan tòa, quan chức cấp cao và quan chức cảnh sát Iraq.
Theo Châu Yên
Thanh niên