1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ: “Đường chín đoạn” của Trung Quốc bất hợp pháp và không có giá trị

(Dân trí) - Trong báo cáo mới công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn” là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý và gây thiệt hại đối với các quốc gia khác.

Mỹ: “Đường chín đoạn” của Trung Quốc bất hợp pháp và không có giá trị - 1

Các nhóm tàu sân bay Ronald Reagan và John C. Stennis của Hải quân Mỹ hiện diện trên Biển Đông tháng 11/2018 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

“Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là ‘đường chín đoạn’ phi lý là không có cơ sở, bất hợp pháp và không hợp lý. Các đòi hỏi chủ quyền này, vốn không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, lại gây ra các thiệt hại thực tế đối với các quốc gia khác”.

“Thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt ‘đường chín đoạn’, Bắc Kinh đang cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần vào sự mất ổn định và nguy cơ xung đột”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về tiến độ thực hiện chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, được công bố ngày 3/11 ngay trước khi diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương 2019, Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ vừa kết thúc tại Thái Lan hôm qua.

Báo cáo mang tên “Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” cung cấp chi tiết về các sáng kiến ngoại giao, kinh tế, giám sát nhà nước và an ninh trong 2 năm qua, từ đó cho thấy cam kết tiếp diễn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cách Mỹ đã và đang củng cố quan hệ giao lưu nhân dân cũng như quan hệ song phương.

Tài liệu dài hơn 30 trang đã mô tả cách chính phủ Mỹ làm việc với các nước đồng minh và đối tác để thực hiện tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Báo cáo nhấn mạnh các nguồn lực của Mỹ hướng đến khu vực với sự hỗ trợ của Quốc hội và chỉ ra các bước cụ thể mà Washington đã thực hiện cùng với các đồng minh và đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn chung của Mỹ. Báo cáo được xây dựng trên Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ vai trò của Bộ Quốc phòng Mỹ trong chiến lược này.

Báo cáo cho hay, Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc, linh hoạt gồm các đối tác an ninh cùng chí hướng để giải quyết các thách thức chung. Mỹ chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực của các lực lượng an ninh để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ chủ quyền hàng hải, giải quyết các thách thức môi trường và cùng đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên.

Mỹ cũng đảm bảo rằng quân đội nước này và các đồng minh duy trì các khả năng tương tác để ngăn chặn các địch thủ. Cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương được chứng minh hàng ngày bằng sự hiện diện trong khu vực của gần 375.000 quân nhân thuộc khu vực quản lý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington hợp tác với các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì tự do hàng hải và cách sử dụng hợp pháp khác của vùng biển để tất cả các quốc gia được tiếp cận và hưởng lợi từ các lợi ích hàng hải chung. Tại Biển Đông, Mỹ hối thúc các bên liên quan giải quyết các tranh chấp hòa bình, không ép buộc và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Báo cáo cho biết, trong 2 năm qua, Mỹ đã hoan nghênh các hợp tác hàng hải lịch sử đầu tiên. Vào tháng 5/2019, Mỹ đã tham gia vào cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông. Vào tháng 9/2019, Mỹ đồng chủ trì với Thái Lan cuộc diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN đầu tiên nhằm tăng cường các mối quan hệ và chia sẻ thông tin giữa hải quân các nước ASEAN và Mỹ. Trong năm 2018, Mỹ đã mở rộng Sáng kiến thực thi pháp luật hàng hải Đông Nam Á.

Theo báo cáo, kể từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, Mỹ đã cung cấp hơn 1,1 tỷ USD cho hợp tác an ninh của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Đông Nam Á và Nam Á. Khoản này bao gồm 365 triệu USD cho các chương trình như Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á và Sáng kiến Vịnh Bengal của Bộ Ngoại giao. Các chương trình này cung cấp thiết bị và sự huấn luyện cho phép các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á tăng cường phát hiện các mối đe dọa, chia sẻ thông tin và phản ứng phối hợp với các cuộc khủng hoảng thiên nhiên và do con người gây ra.

Cũng trong hơn 2 năm qua, Sáng kiến an ninh hàng hải và các quỹ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp gần 250 triệu USD cho an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và khả năng tương tác, và hợp tác hàng hải đa quốc gia. Mỹ còn cung cấp các cố vấn mới để tăng cường cải cách quốc phòng và an ninh hàng hải tại các quốc đảo Thái Bình Dương và đưa ra chính sách mạng và các khung quản trị tại Mông Cổ.

Trước đó, tại APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra một tầm nhìn cho một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà ở đó tất cả các quốc gia phát triển thịnh vượng với tư cách là các quốc gia độc lập, chủ quyền.

Tầm nhìn này dựa trên các giá trị đã củng cố nền hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương qua nhiều thế hệ. Thương mại tự do, công bằng và có qua có lại, môi trường đầu tư mở, giám sát nhà nước hiệu quả và tự do hàng hải là những mục tiêu được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia muốn phát triển trong một tương lai tự do và rộng mở.

An Bình