Mỹ đứng đầu danh sách những quốc gia mạnh nhất thế giới
(Dân trí) - Bảng xếp hạng thường niên do tạp chí US News & World Report công bố gần đây cho thấy Mỹ vẫn giữ vị trí siêu cường số một trong danh sách 23 quốc gia mạnh nhất thế giới hiện nay, dựa trên nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau.
Business Insider ngày 15/3 dẫn kết quả của cuộc nghiên cứu được tổ chức hàng năm mang tên “Những quốc gia mạnh nhất” do tạp chí US News & World Report công bố gần đây cho thấy Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới.
Trong cuộc nghiên cứu năm nay, US News & World Report đã đánh giá và xếp hạng 80 quốc gia trên toàn thế giới dựa trên nhiều tiêu chí như lịch sử văn hóa, vai trò của công dân và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, một tiêu chí quan trọng khác cũng được đưa ra xem xét là sức mạnh “quyền lực”, trong đó xác định mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế và hệ thống chính trị đến sự phát triển của một quốc gia, cũng như đánh giá sức mạnh của lực lượng quân đội và các mối quan hệ đồng minh quốc tế của quốc gia đó.
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành trên 21.000 người, bao gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, giới tinh hoa và những người dân bình thường để tìm ra lời giải cho câu hỏi các quốc gia đã được đánh giá như thế nào trên phạm vi toàn cầu.
Dựa trên các thông tin thu thập được, US News & World Report đã tổng hợp lại và xếp hạng 23 quốc gia mạnh nhất thế giới hiện nay.
1. Mỹ
Mỹ vẫn được đánh giá là nước mạnh nhất thế giới, mặc dù 75% số người được hỏi trong cuộc khảo sát nói rằng họ “mất đi sự tôn trọng” dành cho ban lãnh đạo Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016. Tầm ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hóa và nghệ thuật đối với phần còn lại của thế giới, cùng với ngân sách quốc phòng khổng lồ 600 tỷ USD và nền kinh tế thịnh vượng đã giúp Mỹ giữ vững vị trí đầu bảng, trở thành siêu cường số một thế giới hiện nay. (Ảnh: Getty)
2. Nga
Bằng cách tận dụng những thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Nga đã trở thành một trong những nước giàu có nhất thế giới hiện nay. Ngân sách mà Nga chi cho quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt xa các nước trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện Nga đang chi 5,4% GDP mỗi năm cho quốc phòng trong khi Mỹ, thành viên rút hầu bao mạnh tay nhất của NATO, cũng chỉ chi khoảng 3,3% GDP. (Ảnh: Reuters)
3. Trung Quốc
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây thực sự rất ấn tượng. Sở hữu dân số đông (1,4 tỷ người), Trung Quốc là nước có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định quốc gia châu Á này sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. (Ảnh: Reuters)
4. Anh
US News nhận định Anh là quốc gia có trình độ phát triển cao và có ảnh hưởng đáng kể tới cộng đồng quốc tế về kinh tế, chính trị, khoa học và văn hóa. Mặc dù chưa rõ quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức mạnh của nước này, nhưng ở thời điểm hiện tại, Anh có vẻ như đang trải qua một cú sốc lớn sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU. (Ảnh: Reuters)
5. Đức
Đức thường được xem là nền kinh tế đầu tàu của khu vực châu Âu và quốc gia có dân số đông nhất châu lục này cũng đang chứng minh vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế sau biến động chính trị từ những năm 90. (Ảnh: Reuters)
6. Pháp
Với GDP bình quân đầu người là 42.384 USD, Pháp vẫn được xem là một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và là một trong nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. US News nhận định tầm ảnh hưởng của Pháp lan rộng trên toàn thế giới, trong mọi lĩnh vực từ khoa học, chính trị, kinh tế và đặc biệt là văn hóa. (Ảnh: Reuters)
7. Nhật Bản
Với lợi thế của một trong những nước hàng đầu về khoa học công nghệ, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Quốc gia này đang phục hồi mạnh mẽ từ sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011, từng khiến nhiều cơ sở hạ tầng và sản xuất bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: Reuters)
8. Israel
Mặc dù chỉ có dân số ít ỏi với hơn 8 triệu dân nhưng Israel vẫn đang chứng minh tầm ảnh hưởng vượt trội của nước này trên trường quốc tế. Bất chấp những khó khăn liên tiếp trong cuộc xung đột với Palestine, Israel vẫn duy trì một nền kinh tế mạnh, hệ thống giáo dục tiên tiến và là nước có thu nhập bình quân đầu người rất cao. (Ảnh: Reuters)
9. Ả rập Xê út
Thế mạnh về tài nguyên dầu mỏ đã đưa Ả rập Xê út trở thành một trong những nước giàu có và quyền lực nhất khu vực Trung Đông. Quốc gia này từ lâu đã được xem là một đồng minh thân cận của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh và các nước phương Tây. (Ảnh: Reuters)
10. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)
UAE là một trong những nơi nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 ở khu vực Trung Đông. (Ảnh: Lawrie Cornish)
11. Hàn Quốc
Là quốc gia thường nhận được sự ủng hộ về quân sự và chính trị từ đồng minh thân cận là Mỹ và các nước phương Tây, Hàn Quốc hiện là một trong những nước có dự trữ ngoại tệ mạnh nhất và là nước xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới. (Ảnh: Telegraph)
12. Canada
Mặc dù từng được xếp ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia đáng sống nhất thế giới của US News và là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nhưng xét về tiềm lực và tầm ảnh hưởng toàn cầu, Canada vẫn chưa đạt được vị trí cao như vậy. (Ảnh: Reuters)
13. Thổ Nhĩ Kỳ
Là cửa ngõ nằm giữa Trung Đông và Liên minh châu Âu, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với hai khu vực quan trọng này đang ngày càng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột ở các quốc gia Ả rập xung quanh vẫn chưa hạ nhiệt. (Ảnh: Reuters)
14. Iran
US News nhận định Iran từ lâu đã quan tâm tới việc đạt được vị thế quyền lực toàn cầu do vị trí chiến lược của nước này ở khu vực Trung Đông cũng như nguồn cung dầu mỏ dồi dào và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Iran hiện đang sở hữu 9% trữ lượng dầu mỏ toàn thế giới. (Ảnh: Reuters)
15. Thụy Sĩ
Quốc gia châu Âu nhỏ bé này từng được xếp hạng là nơi đáng sống nhất thế giới hiện nay. Thụy Sĩ là nước đứng thứ 11 về GDP bình quân đầu người và được đánh giá là nơi có môi trường kinh doanh rất hấp dẫn do thuế thấp. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng có một trong những trụ sở chính ở thủ đô của Thụy Sĩ. (Ảnh: Getty)
16. Ấn Độ
Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hầu hết năm 2016, nhưng cuộc khủng hoảng tiền tệ gần đây đã tác động xấu đến nền kinh tế Ấn Độ, khiến nước này mất 11 tỷ phú và 86% giá trị tiền mặt lưu hành. (Ảnh: Reuters)
17. Australia
Mặc dù không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng về ảnh hưởng của sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự trên trường quốc tế nhưng Australia vẫn đứng vị trí thứ 4 trong hạng mục chất lượng cuộc sống. (Ảnh: Getty)
18. Italy
Mặc dù trải qua một năm bất ổn về chính trị sau khi Thủ tướng Matteo Renzi từ chức và chính phủ phải tái thiết lại nhưng Italy vẫn tự hào là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng tiền chung Euro. (Ảnh: Shutterstock)
19. Thụy Điển
Chính phủ Thụy Điển chọn cách tiếp cận theo hướng tập trung đảm bảo phúc lợi của người dân, khiến nước này được đánh giá cao trên trường quốc tế. (Ảnh: Flickr)
20. Pakistan
Sự bất ổn về chính trị, vấn nạn tham nhũng và cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan đã cản trở Pakistan đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các quốc gia mạnh trên thế giới. Tăng trưởng của Pakistan cũng luôn ở mức thấp do nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và không thu hút được đầu tư từ nước ngoài. (Ảnh: BI)
21. Hà Lan
Nền kinh tế Hà Lan cũng được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Đây cũng là nơi có trụ sở của hai cơ quan tòa án quan trọng là Tòa Công lý quốc tế và Tòa Hình sự Quốc tế. (Ảnh: Reuters)
22. Tây Ban Nha
US News nhận định sự kiện gia nhập EU năm 1986 là bước khởi đầu cho tiến trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng xã hội, công nghiệp và chính sách kinh tế của Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
23. Qatar
Là một trong số ít quốc gia Trung Đông nằm trong danh sách những nước mạnh nhất thế giới, Qatar là quốc gia giàu có nhất thế giới nếu xét về GDP bình quân đầu người nhờ trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm đã khiến thu nhập của người dân Qatar bị kéo xuống trong năm vừa qua. (Ảnh: AP)