1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ dừng chương trình hợp tác quân sự với Campuchia giữa lúc căng thẳng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ thông báo dừng chương trình hợp tác đào tạo quân sự với Campuchia trong lúc quan hệ giữa 2 nước đang căng thẳng.

Mỹ dừng chương trình hợp tác quân sự với Campuchia giữa lúc căng thẳng - 1

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong thời gian qua trở thành một những vấn đề gây căng thẳng giữa nước này và Mỹ (Ảnh: EPA).

Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh ngày 1/7 thông báo, Washington sẽ dừng chương trình hợp tác nhằm đưa các học viên Campuchia tới đào tạo tại các học viện quân sự hàng đầu của Mỹ. Theo Reuters, đây được cho là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ 2 quốc gia đang căng thẳng.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ Arend Zwartjes cho biết, quyết định của Washington được đưa ra sau khi Campuchia chấm dứt một số lĩnh vực hợp tác quân sự với Mỹ.

"Sau khi Campuchia cắt giảm hợp tác trong một số lĩnh vực quân sự truyền thống song phương, nước này đã không còn phù hợp tham gia chương trình đào tạo quân sự của Mỹ", quan chức Zwartjes cho hay.

Phía Mỹ nhấn mạnh rằng, các học viên Campuchia đang được đào tạo tại các trường quân sự Mỹ vẫn được phép hoàn thành chương trình học của mình.

"Mỹ khuyến khích chính phủ Campuchia hỗ trợ các học viên của họ với khoản học phí còn lại", ông Zwartjes cho hay.

Một số nhân vật cấp cao ở Campuchia từng tham gia chương trình hợp tác đào tạo quân sự với Mỹ, bao gồm ông Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Ông Hun Manet từng theo học tại học viện quân sự danh giá hàng đầu của Mỹ, West Point. Ông hiện là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF).

Phía Bộ quốc phòng và chính phủ Campuchia chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về động thái của Mỹ.

Căng thẳng xoay quanh căn cứ quân sự

Trong thời gian quan, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại với việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở quốc gia Đông Nam Á.

Việc Campuchia phá bỏ các tòa nhà do Mỹ viện trợ mà không thông báo trước cho Washington vào năm ngoái, cùng với việc Campuchia hoàn thành gấp rút 2 tòa nhà mới tại căn cứ hải quân Ream trong năm nay khiến Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp cơ sở quân sự ở tỉnh Sihanoukville.

Hôm 10/6, Tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Marcus M. Ferrara đã tới thăm căn cứ hải quân Ream sau khi xuất hiện nghi vấn rằng Campuchia có kế hoạch cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới đây.

Campuchia nhiều lần bác tin cho phép Trung Quốc sử dụng cảng của nước này cho mục đích quân sự, cũng như triển khai khí tài quân sự trên lãnh thổ Campuchia. 

Tuy nhiên, hôm 10/6, ông Ferrara đã kết thúc chuyến thăm giữa chừng sau khi "các quan chức quân sự Campuchia từ chối cho phép tùy viên quốc phòng (Mỹ) tiếp cận đầy đủ căn cứ hải quân", theo Đại sứ quán Mỹ. 

Sau đó, phía Campuchia phản bác thông tin này, nói rằng ông Ferrara "đã tìm cách thị sát các khu vực khác (của căn cứ) mà không cần thiết cũng như không có tên trong các đề xuất được gửi cho chúng tôi trước đó".

Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, các hành động của Tùy viên quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm kéo dài 3 giờ tới căn cứ Ream có thể "tác động tiêu cực hơn nữa đến mối quan hệ quốc phòng" giữa cả hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington cần "tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Phnom Penh".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm