1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ đưa "căn cứ di động trên biển" khổng lồ tới Nhật Bản

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ được cho là muốn gia tăng năng lực phòng thủ trước căng thẳng ngày càng leo thang với Trung Quốc khi đưa tàu đổ bộ viễn chinh khổng lồ USS Miguel Keith tới Nhật Bản.

Mỹ đưa căn cứ di động trên biển khổng lồ tới Nhật Bản - 1

Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Hải quân Mỹ thông báo đã điều động tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith tới căn cứ hải quân White Beach trên quần đảo Okinawa, Nhật Bản ngày 8/10.

USS Miguel Keith được mệnh danh là "căn cứ di động trên biển" vì có kích thước khổng lồ và khả năng chở số lượng lớn khí tài quân sự, bao gồm trực thăng và thủy phi cơ. Đây là một trong những tàu đổ bộ viễn chinh mới nhất của Mỹ. Tàu đổ bộ lớp Lewis B này có chiều dài 240 m và có thể hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hải quân.

Chiến hạm này sẽ tham gia vào Nhóm tác chiến viễn chinh của Hạm đội 7 và Lực lượng viễn chinh trên biển.

Chuyên gia quân sự Antony Wong nhận định, sự có mặt của USS Miguel Keith sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, nhóm các đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nhật Bản đến bán đảo Mã Lai, bao gồm cả Đài Loan.

Chuỗi đảo này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực và đối thủ Trung Quốc của Mỹ sẽ cần phải di chuyển qua được chuỗi đảo này để tiếp cận với một khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Theo ông Wong, việc Mỹ đặt tàu USS Miguel Keith ở Okinawa sẽ biến khí tài này trở thành một nền tảng tàu sân bay cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ. Đồng thời, tàu cũng có thể giúp Mỹ hỗ trợ bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát, theo ông Wong.  

Trước đó, Mỹ đã nhiều lần cam kết Mỹ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư). Trong thời gian qua, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản và ngày càng có nhiều động thái nhằm thể hiện lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề này.

Thông tin USS Miguel Keith tới Nhật Bản đến trong bối cảnh hải quân 4 nước thành viên Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) đang điều động hàng loạt tàu sân bay và chiến hạm uy lực tổ chức tập trận chung ở vịnh Bengal. Mỹ điều động tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia diễn tập. 

Hồi đầu tháng, 2 tàu sân bay Mỹ cùng tàu sân bay Anh và tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận lớn cùng với 13 chiến hạm từ các nước khác tại khu vực tây Thái Bình Dương "để thể hiện ý chí mạnh mẽ của các quốc gia tham gia nhằm hướng tới một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở".

Chuyên gia quân sự ở Đài Loan Lu Li-Shih nhận định rằng, việc Mỹ triển khai tàu Miguel Keith và tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở khu vực gần đây được cho là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng Washington có thể tập hợp và triển khai được lực lượng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

"Hải quân Trung Quốc dự kiến đưa tàu sân bay thứ 3 vào hoạt động vào những năm 2030. Tuy nhiên, Mỹ cho thấy họ có thể điều động ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay và chiến hạm khác tới khu vực làm nhiệm vụ, như một thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc", ông Lu nói.