1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dọa rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga

(Dân trí) - Một quan chức Mỹ cảnh báo, Mỹ có thể rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận được thông qua từ thời Chiến tranh Lạnh.

Đại sứ Mỹ về Giải trừ Quân bị Robert Wood (Ảnh: US Mission in Geneva)
Đại sứ Mỹ về Giải trừ Quân bị Robert Wood (Ảnh: US Mission in Geneva)

Hãng tin AFP ngày 4/10 trích phát biểu của Đại sứ Mỹ về Giải trừ Quân bị Robert Wood cho biết họ có thể rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (INF) với Nga nếu “Moscow không dừng hành động vi phạm”.

“Tình hình tiện tại không thể tiếp diễn và chúng tôi phải có biện pháp để đối phó với hành vi liên tục vi phạm hiệp ước quan trọng này”, ông Wood nói.

Quan chức này nói rằng việc thúc giục Nga “tiếp tục tuân thủ” INF sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong các cuộc gặp song phương về vấn đề giải trừ vũ khí tại Liên Hợp Quốc vào tuần tới.

“Tôi không rõ là liệu chúng tôi có thể tiếp tục tuân thủ hiệp ước này bao lâu nữa do Nga tiếp tục có những hành động vi phạm công khai và rõ ràng”, ông Wood cảnh báo.

Trong 2 năm qua, Mỹ đã cáo buộc việc Nga phát triển hệ thống tên lửa 9M729 là hành động vi phạm INF. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Phát biểu của ông Wood được đưa ra vài ngày sau khi Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison nói rằng Mỹ sẽ cân nhắc việc tấn công quân sự nhằm phá hủy các tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga nếu chúng đi vào hoạt động. Sau đó, quan chức này giải thích rằng bà không hàm ý về một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga mà muốn Nga tuân thủ INF nếu không Mỹ sẽ buộc sử dụng năng lực để bảo vệ Mỹ và đồng minh NATO.

Trước đó, các lãnh đạo NATO cũng bày tỏ sự quan ngại về hệ thống 9M729 và thúc giục Moscow theo đuổi các cuộc đối thoại để đảm bảo tương lai của hiệp ước INF.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Hiệp định được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Mỹ và Nga nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước.

Tên lửa 9M729 là biến thể mặt đất của tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK, có tầm bắn 5.500km và đường di chuyển khá phức tạp. Hồi tháng 4 năm ngoái, Tướng John Hyten của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ từng thừa nhận tên lửa này có thể vượt qua được các lá chắn phòng thủ của Mỹ và châu Âu nhất là với số lượng lớn.

Đức Hoàng

Theo Economic Times