1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ định điều quân đến Bắc Syria: Đặt cược vào Raqqa

Bộ Quốc phòng Mỹ đang đề xuất điều động lực lượng chiến đấu mặt đất vào miền Bắc Syria để tăng tốc cuộc chiến chống khủng bố.

CNN đưa tin, ngày 16/2 Bộ Quốc phòng Mỹ đang đề xuất điều động lực lượng chiến đấu mặt đất vào miền Bắc Syria lần đầu tiên để tăng tốc cuộc chiến chống khủng bố.

''Có thể các bạn sẽ thấy lực lượng bộ binh chiến đấu trên chiến trường Syria trong một thời gian'', một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN.

Quan chức này nhấn mạnh, mọi quyết định cuối cùng phải trình lên Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng giải trình đề xuất chống tổ chức khủng bố IS trước khi kết thúc tháng 2.

Bộ binh Mỹ
Bộ binh Mỹ

Động thái này sẽ thay đổi đáng kể hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria nếu được chấp thuận và có thể triển khai lực lượng mặt đất trong vài tuần tới.

Cho đến nay, chỉ có một nhóm nhỏ thuộc Lực lượng Đặc biệt hoạt động ở Syria, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện lực lượng đối lập chống IS trên mặt đất.

Các đơn vị chiến đấu thông thường hoạt động với số lượng lớn và sẽ có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về bảo vệ an ninh trên mặt đất và trên không.

Về nguyên tắc, ông Trump có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia và triển khai quân đội tới vùng chiến sự theo Đạo luật quyền tiến hành chiến tranh của Mỹ, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày).

Nếu sau khoảng thời gian này Nhà Trắng không nhận được sự ủy quyền của Quốc hội thì quân đội Mỹ mới ngừng hoạt động và rút lui khỏi vùng chiến sự.

Chính quyền thời Tổng thống Barack Obama chưa bao giờ chấp nhận ý tưởng triển khai lực lượng chiến đấu mặt đất đến Syria, bởi vì những rủi ro liên quan. Nếu ý tưởng mới được phê chuẩn, nó sẽ cho thấy một dấu hiệu chuyển biến cơ bản của chính quyền Donald Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố IS.

Đặt cược vào Raqqa

Trước đó, ngày 18/1 Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sẽ trình bày một kế hoạch mới lên chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump, hy vọng điều này sẽ cho phép Mỹ đẩy nhanh cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, Lầu Năm Góc tin rằng tổ chức “Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà nòng cốt là lực lượng vũ trang của người Kurd Syria là lực lượng duy nhất có năng lực quân sự và chính trị để đánh bại IS, đặc biệt là tại thành phố Raqqa.

Bản đồ chiến sự tại Raqqa
Bản đồ chiến sự tại Raqqa

Một trong các tùy chọn trong kế hoạch của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể gửi hàng ngàn binh sĩ tới Syria để hỗ trợ người Kurd chiếm thành phố Raqqa. Tuy nhiên, cùng lúc đó, CNN lưu ý rằng số binh lính Mỹ được triển khai tới Syria sẽ phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

Đầu tiên là tiến độ thực hiện kế hoạch cung cấp trang bị vũ khí và huấn luyện cho SDF, do liên minh quân sự, đứng đầu là Mỹ thực hiện.

Hiện nay, SDF có khoảng 50.000 tay súng, trong đó có hơn 27.000 chiến binh của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Ngoài ra, Liên minh các tay súng Ả Rập Syria của SDF bao gồm khoảng 23.000 quân hỗn hợp, trong đó cũng có không ít người Kurd.

Theo CNN, Lầu Năm Góc có thể đặt một số đơn vị chiến đấu biên chế ngang cấp Lữ đoàn của lục quân Mỹ, mỗi đơn vị sẽ có biên chế khoảng 4.000 quân. Như vậy, tổng số binh lính mà Washington triển khai trong đợt này ở Syria sẽ vào khoảng 10.000 quân.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp tham gia tái chiếm thành phố, mà sẽ chỉ hoạt động bên ngoài Raqqa, thực hiện các cuộc không kích, tấn công hỏa lực, trinh sát chỉ thị mục tiêu, kiểm soát các tuyến đường và trấn thủ các thị trấn xung quanh Raqqa.

Giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc hiểu rằng, việc đưa quân sang hỗ trợ người Kurd là một hành động chắc chắn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, bởi chính quyền của ông Recep Tayip Erdogan luôn coi SDF như một phần của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ là ông James Mattis từng nói rằng chính phủ mới sẽ cố gắng đẩy nhanh chiến dịch Raqqa. Ông này cũng khẳng định, chiến lược Syria cần phải được xem xét lại và Mỹ có thể tăng cường lực lượng trong khoảng thời gian ngắn tới.

Đồng thời, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Elissa Slotkin thêm rằng mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là để bao vây, cô lập thành phố Raqqa. "Các tướng lĩnh Mỹ đang có một kế hoạch, đó là bao vây, cô lập Raqqa, đây sẽ là phương án hiệu quả nhất - Slotkin lưu ý.

Cụ thể, các tay súng dân quân người Kurd sẽ trực tiếp tham chiến và lực lượng thuộc các nhóm dân quân người Arab của SDF sẽ là những người cuối cùng tiến vào Raqqa, bởi thành phố chủ yếu là người Ả Rập" - CNN dẫn lời các quan chức của Lầu Năm Góc.

Chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Nga mới đây có bình luận trên đài Sputnik cho rằng, cách duy nhất để Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đánh bật IS khỏi thủ phủ của chúng ở Raqqa là phải kết hợp với Nga và Syria.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, trước hết liên minh với quân chính phủ Syria và Nga, quân đội Mỹ sẽ giành lại chiến sự ở Palmyra, Deir Ezzor và tiến tới Raqqa.

"Sức tấn công chủ lực của quân đội Syria là cách duy nhất để giành lại Palmyra, giải phóng Deir-Ezzor rồi thắng lợi ở Raqqa. Và với ông Trump, để làm được điều đó nghĩa là phải hợp tác với Tổng thống Syria al-Assad và với Nga”, ông Konovalov nhận định.

Trước đó, khi còn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ gay gắt về sự mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống khủng bố của ông Obama đồng thời có khả năng tham gia liên minh Nga- Syria để đánh bại IS.

Theo Thành Nam

Đất Việt