Mỹ điều tra cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại
(Dân trí) - Các công tố viên liên bang Mỹ được cho là đang mở cuộc điều tra tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei vì cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ một công ty Mỹ.
Wall Street Journal đưa tin ngày 16/1 cho biết, phía Washington được cho là sẽ sớm công bố một bản cáo trạng liên quan tới vụ điều ra nghi vấn Huawei đánh cắp bí quyết thương mại của các công ty Mỹ mà phía công tố đang tiến hành điều tra.
Tờ báo Mỹ dẫn một số nguồn thạo tin cho biết một trong những vụ việc mà Washington điều tra có liên quan tới thiết bị công nghệ mà hãng viễn thông Mỹ T-Mobile sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh.
“Cuộc điều tra bắt nguồn từ các vụ kiện dân sự chống lại Huawei, bao gồm vụ việc một bồi thẩm đoàn ở Seattle (Washington) cho rằng Huawei phải chịu trách nhiệm với cáo buộc chiếm đoạt công nghệ robot từ phòng thí nghiệm Bellevue của T-Mobile”, nguồn tin nói.
T-Mobile nộp đơn kiện Huawei năm 2014, thời điểm mà công ty Mỹ đã hợp tác với công ty Trung Quốc phân phối mặt hàng điện thoại thông minh. Trong quá trình cộng tác, các nhân viên Huawei đã dò hỏi về robot thí nghiệm và có âm mưu lén mang các phần của thiết bị trên ra khỏi phòng thí nghiệm của T-Mobile.
Gần đây, Huawei đang phải đối mặt với hàng loạt các các buộc có dính líu tới chính phủ Trung Quốc và thậm chí còn tham gia vào âm mưu gián điệp. Huawei đã bác bỏ hoàn toàn những thông tin trên.
Năm ngoái, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ đều ban hành lệnh cấm tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc không được phép tham gia vào các hợp đồng chính phủ với quan ngại về an ninh quốc gia.
Tuần trước, truyền thông Ba Lan đưa tin rằng lực lượng an ninh nước này đã bắt giám đốc kinh doanh Wang Weijing của Huawei với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Sau đó, Huawei đã đuổi việc Wang, nhấn mạnh rằng họ luôn tuân thủ theo quy tắc và luật lệ tại các nước mà họ vận hành và kinh doanh.
Wang là nhân vật cấp cao thứ 2 của Huawei bị bắt ở nước ngoài sau vụ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt hồi 1/12 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “lừa đảo các tổ chức tài chính”, lách lệnh trừng phạt của Washington lên Iran.
Huawei hiện thời đang chịu nhiều áp lực ở châu Âu kể từ khi bà Mạnh bị bắt. Tháng trước, EU đã cảnh báo các nước thành viên về mối đe dọa an ninh từ Huawei. Tuần qua, cả Na Uy và Thụy Điển tuyên bố họ sẽ xem xét việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại 2 nước hay không. Cộng hòa Séc được cho là cũng đang điều tra các sản phẩm của Huawei với quan ngại có thể bị tấn công mạng.
Đức Hoàng
Theo Sputnik