1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ điều chiến đấu cơ F-22 tới Đông Nam Á “dằn mặt” Trung Quốc

(Dân trí) - Trong khuôn khổ chính sách xoay trục sang châu Á, Lầu Năm Góc hồi tháng trước đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc bằng việc điều 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22 để tham gia một cuộc tập chung với Malaysia.

Mỹ điều chiến đấu cơ F-22 tới Đông Nam Á để “dằn mặt” Trung Quốc
Một máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đang được tiếp nhiên liệu trên không tại Alaska tháng 5/2014.
 
Đây là lần đầu tiên các máy bay chiến đấu F-22 được sử dụng trong cuộc tập trận chung giữa quân đội giữa Mỹ và Malaysia tên gọi Cope Taufan, được tổ chức 2 năm một lần. Năm nay, cuộc tập trận diễn ra từ 9-20/6.

Malaysia là trọng tâm trong các nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm đẩy mạnh các mối quan hệ và liên minh giữa Mỹ với Đông Nam Á. Kuala Lumpur cũng là một trong những đối tác kín đáo của Mỹ muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Washington để đối trọng với Trung Quốc và đã bày tỏ những lo ngại về sự bắt nạt của Bắc Kinh ở Biển Đông trong các tranh chấp hàng hải với hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Thông qua truyền thông nhà nước Trung Quốc, có thể thấy Bắc Kinh đã nhận thông điệp của Mỹ được gửi đi từ các máy bay chiến đấu F-22.

Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc xem việc triển khai các F-22 tại Malaysia là một cơ hội để tìm hiểu các đặc tính chiến đấu từ các máy bay Su-30 của Malaysia do Nga chế tạo, vốn cũng tương đương với máy bay Su-30 của Trung Quốc. Các máy bay Su-30 của hai nước có thể đối đầu nhau nếu xảy ra xung đột trong tương lai.

Trung Quốc cũng tin rằng các cuộc tập trận chung với Malaysia cho phép không quân Mỹ vận hành F-22 tại các địa điểm chiến lược gần các bờ biển Trung Quốc. F-22 từng được triển khai tạm thời tới Đông Bắc Á nhưng đây là lần đầu tiên chúng được đưa tới Đông Nam Á.

Báo chí Trung Quốc còn cho rằng, các máy bay F-22 của Mỹ tại Malaysia - vốn hoạt động từ căn cứ không quân hoàng gia Malaysia ở Butterworth, cách thủ đô Kualar Lumpur khoảng 350 km về phía bắc - đã giúp cải thiện sự sẵn sàng chiến đấu của Mỹ cho bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào Trung Quốc trong tương lai.

Trong quá khứ, các chiến đấu cơ F-22 đã được triển khai từ căn cứ tại Hawaii tới Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.

Giới chức quốc phòng cho hay khả năng đặc biệt nhất F-22 là “siêu tốc”, cho phép nó có thể tiến hành các chuyến bay siêu thanh tầm xa mà vẫn có thể mang số vũ khí lớn.

Điều đó là cần thiết cho kế hoạch tác chiến bí mật của Lầu Năm Góc, vốn tìm cách đánh bại Trung Quốc nhanh chóng nếu xảy ra xung đột bằng các tấn công các địa điểm chiến lược sâu bên trong Trung Quốc như các trung tâm chỉ huy, các căn cứ dưới lòng đất, căn cứ tên lửa, các cơ sở dự trữ dầu mỏ và các hệ thống lưới điện.

Một điều đáng lo ngại cho các chuyên gia chiến tranh của Mỹ là các hệ thống phòng không của Trung Quốc ngày càng có khả năng tấn công các máy bay tàng hình như F-22.

Trong khi đó, Nga hồi tháng trước đã thông báo sẽ bán cho Trung Quốc các hệ thống phòng thủ và chống tên lửa S-400, được xem là một trong những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất thế giới.

An Bình
Theo Washington Times