Mỹ diễn tập tiêu diệt mục tiêu bằng hệ thống phòng không "cơn lốc lửa" tại Đông Âu’
(Dân trí) - Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh và đối tác đã thực hiện cuộc tập trận phòng không tầm ngắn ở Ba Lan với hệ thống phòng thủ “cơn lốc lửa” AN/TWQ-1 Avenger và “kẻ hủy diệt” FIM-92 Stinger.
Theo Business Insider, lục quân Mỹ đã công bố các bức ảnh ghi lại cuộc tập trận phòng không tầm ngắn tại Đông Âu diễn ra hồi giữa tháng trước. Các hệ thống phòng thủ đã tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật, đánh chặn các mục tiêu giả định tấn công vào các vị trí trọng yếu.
Cụ thể, các bài tập đã diễn ra tại Utska, Ba Lan với sự tham gia của Mỹ và 11 nước đồng minh, đối tác trong khuôn khổ cuộc tập trận kéo dài 21 ngày mang tên Tobruq Legacy 2019.
Tên lửa FIM-92 Stinger rời bệ phóng (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Hệ thống “cơn lốc lửa” AN/TWQ-1 Avenger đã được chế tạo và vận hành từ những năm 1980. Nó được cấu tạo giống như một phương tiện đa năng, cơ động cao và được trang bị bàn xoay cùng 2 bệ phóng tên lửa. Mỗi bệ có thể phóng ra được 4 tên lửa phòng không.
Avenger sẽ nhận nhiệm vụ xác định, tìm kiếm, theo dõi, phá hủy các mục tiêu bay tầm thấp. Nó được trang bị hệ thống laser và hồng ngoại hiện đại cho phép hệ thống này hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm. Avenger là hệ thống tự hành.
FIM-92 Stinger là hệ thống tên lửa phòng không vác vai. Đây là lần đầu tiên FIM-92 tham gia vào một cuộc tập trận bắn đạn thật, cũng như lần đầu thử nghiệm tiêu diệt các mục tiêu đang di chuyển.
Các quân nhân điều chỉnh thiết bị điều khiển của hệ thống AN/TWQ-1 Avenger trong bài diễn tập (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Theo đánh giá của các quân nhân tham gia tập trận, FIM-92 dường như đã chứng minh được khả năng diệt máy bay ấn tượng trong cuộc tập trận và trong một số trường hợp nó thậm chí còn hiệu quả hơn hệ thống Avenger dù chỉ là một tổ hợp tên lửa vác vai.
Mục tiêu của cuộc tập trận là để Mỹ hợp tác với các đối tác trong khu vực tìm ra cách tới ưu hóa công nghệ và hỏa lực sẵn có nhằm giúp phòng thủ trước những cuộc tấn công từ các đối thủ tiềm tàng.
Quân nhân Andrew Bryan cho biết cuộc tập trận có thể khiến đối thủ tiềm tàng phải “hồi hộp”. “Nếu đối thủ chứng kiến nhiều nước hợp tác với nhau trong một cuộc tập trận quy mô lớn thành công như thế này, họ sẽ cảm thấy quan ngại vì nó thể hiện chúng tôi có đủ năng lực và hỏa lực để thực hiện mọi nhiệm vụ mà chúng tôi mong muốn”, ông Bryan nói.
Các quân nhân Mỹ chuẩn bị khai hỏa tổ hợp phòng không vác vai FIM-92 Stinger (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Tên lửa FIM-92 Stinger bay trên bầu trời Ba Lan (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Pháo phòng không tầm ngắn được bắn ra (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Hệ thống phòng không "cơn bão lửa" AN/TWQ-1 Avenger (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Đức Hoàng
Theo Business Insider