Mỹ dồn dập chuyển vũ khí đến Đông Âu, những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Ngay trong những ngày đầu năm 2017, châu Âu đã “nóng” lên từng ngày khi hàng đoàn dài xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân... của Mỹ được chuyển từ Đức sang Ba Lan.
Hàng nghìn lính Mỹ, hàng trăm xe tăng, pháo, cối, xe bộ binh đến châu Âu từ Fort Carson ở bang Colorado, được nối thành hàng, như báo chí địa phương mô tả dài tương đương 900 toa tàu... với mục đích chính, như phía Mỹ công bố, là chuẩn bị cho một cuộc diễn tập với Ba Lan...
Cuộc chuyển ồn ào
Ngày 7-1-2017, hàng trăm xe tăng, xe tải và phương tiện cơ giới của quân đội Mỹ đã cập cảng Bremerhaven của Đức. Trong khi đó, tờ Deutsche Welle (Đức) đưa tin tàu Resolve cập cảng vài ngày trước còn hai tàu Freedom và Endurance đến Đức vào ngày 8-1. Sau khi số vũ khí, xe tăng, phương tiện chiến đấu được bốc dỡ xong sẽ tiếp tục được chuyển đến Ba Lan thông qua đường sắt và đường bộ. Theo Reuters, những lô hàng trên là một phần trong kế hoạch của quân đội Mỹ nhằm chuyển tổng cộng 87 xe tăng M1A1 Abrams, 20 pháo tự hành Paladin và 136 xe chiến đấu Bradley đến Đông Âu...
Sau khi hoàn tất việc chuyển vũ khí trang bị chiến đấu hạng nặng tới một số nước ở châu Âu, Lầu Năm Góc cũng triển khai lữ đoàn không quân chiến đấu số 10, với 50 trực thăng Black Hawk, 10 trực thăng Chinook CH-47 và quân số 1.800 người, cùng một tiểu đoàn không quân khác với 400 lính và 24 trực thăng Apache đến Đông Âu. Tổng cộng sẽ có khoảng 4.000 lính Mỹ được dàn trải khắp Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Bungaria và Romania theo cơ chế điều động luân phiên. Quân đội Ba Lan và Mỹ dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận chung trên đất Ba Lan vào cuối tháng 1-2017.
Song song với hoạt động chuyển quân, chuyển vũ khí của Mỹ, cả Đức, Canada, Anh cũng đưa trang bị vũ khí, xe tăng và điều quân đội tới Estonia, Latvia và Lithuania. Mỗi nước gửi đến 1.000 binh sĩ.
Phân tích lý do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường triển khai quân đến Đông Âu, mạng tin Mondialisation.ca cho rằng, hoạt động điều động vũ khí hạng nặng, triển khai lực lượng bộ binh lớn nhất của Mỹ tại Đông Âu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, chính là việc ông Obama lo ngại các mối đe dọa tăng lên, vì vậy Mỹ buộc phải tăng cường triển khai quân sự tại châu Âu.
Mạng này dẫn lời tướng Curtis Scaparrotti -Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, đồng thời là Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu cho biết, thông qua việc luân phiên các đơn vị, sẽ có thêm nhiều đơn vị Mỹ được hành quân, huấn luyện, diễn tập quân sự tại các nước Đông Âu, Baltic. Tướng Scaparrotti cho biết, rất có thể sau đợt chuyển quân này, sẽ còn đợt thứ 2 vào tháng 4 tới, tại phía Đông Ba Lan ở vùng Suwalki - một vùng đất hẹp nằm giữa Ba Lan với các nước Baltic.
Theo đánh giá, sự bổ sung cho các lực lượng không quân và hải quân trước đó đã được Mỹ triển khai tại châu Âu trong chiến dịch Atlantic Resolve nhằm bảo đảm cho các nước thành viên NATO tại châu Âu và các đối tác tránh khỏi cuộc tấn công có thể có.
Trước đó, theo hãng tin TASS (Nga), Đức cũng đã triển khai lượng lớn xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard 2 đến Lithuania, nước nằm sát vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Bộ Quốc phòng Đức cho biết, tiểu đoàn đa quốc gia của NATO ở Lithuania sẽ không chỉ có binh lính quân đội Đức mà còn cả xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của quân đội nước này. “Chúng tôi đã quyết định triển khai các xe tăng Leopard 2 dùng để tập trận cũng như đóng vai trò biểu dương lực lượng”, đại diện Bộ Quốc phòng Đức, ông Thomas Frueh nói với hãng tin TASS.
Không chỉ Đức, mà trong năm 2015, nằm trong chương trình “phô trương” sức mạnh của NATO, nhiều xe tăng của Mỹ đã đến Latvia. Các chuyên gia nhận định đây là các biện pháp trấn an những đồng minh của Mỹ trong khu vực sau các sự kiện ở Ukraine.
Nga sẽ không ngồi yên để Mỹ quân sự hóa Đông Âu
Cách đây ít tháng, nhắc lại ý định của Mỹ về việc triển khai vũ khí hạng nặng tại các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong chuyến thăm Đức đã tuyên bố, NATO đã sẵn sàng để đối đầu lâu dài với Nga. Báo Độc lập (Nga) bình luận về phát biểu này cho biết, một lần nữa, Mỹ lại triển khai vũ khí hạng nặng tại Đông Âu. Thế giới không lạ gì với việc làm này của Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Chiến tranh Lạnh đang tiến vào lòng Đông Âu, tại những quốc gia trước đây là đồng minh hoặc thuộc thành phần Liên Xô nhưng giờ đây là đồng minh của NATO. Báo này phân tích thêm, rõ ràng Lầu Năm Góc đang nỗ lực tìm cách liên kết các đồng minh chống lại Nga.
Báo Độc lập viết, lúc này còn quá sớm để phán đoán điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể khẳng định Lầu Năm Góc và châu Âu đang gây ra căng thẳng khi rầm rộ triển khai vũ khí hạng nặng tại Đông Âu, thay vì cùng nhau thảo luận trong các cuộc họp của G-8, hoặc Hội đồng Nga-NATO. Việc vội vàng quân sự hóa Đông Âu sẽ chỉ làm cho mọi chuyện rắc rối và căng thẳng hơn mà thôi.
Tờ báo dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng nước này nói với hãng tin Interfax rằng, cần nhận thức rõ Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã bị vi phạm với việc các thiết bị quân sự và vũ khí đang tiến vào các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, nay đã trở thành thành viên của NATO. Rõ ràng, mối đe dọa quân sự đang dần hiện rõ từ các sự kiện rắc rối ở phía Đông Nam Ukraine. Trên thực tế, cuộc xung đột này từ lâu đã vượt ra khỏi tính chất địa phương mà trở thành một cuộc xung đột mang tầm quốc tế.
Diễn biến thực tế cho người ta thấy rõ, Mỹ đang ráo riết xây dựng và củng cố một liên minh chống Nga ngay sát biên giới Nga. Đương nhiên, Nga không có ý định tiếp tục thờ ơ với quá trình "hội nhập" quân sự cực kỳ nguy hiểm nói trên.
Theo Nguyễn Hòa
Quân đội nhân dân