Mỹ để mắt tới Trung Quốc trong chính sách chống đánh bắt bất hợp pháp
(Dân trí) - Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc, với sự phối hợp của các cơ quan liên bang và các đối tác nước ngoài, nhằm thúc đẩy khai thác bền vững các đại dương trên thế giới.
Hồi đầu tuần này, Nhà Trắng đã công bố bản ghi nhớ an ninh quốc gia đầu tiên về chống đánh bắt bất hợp pháp, hay còn gọi là IUU, trùng thời điểm bắt đầu Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Chính sách trên nhắm tới các hoạt động của Trung Quốc mặc dù không nêu trực tiếp tên quốc gia này. Bản chính sách mới chắc chắn sẽ gây khó chịu cho Bắc Kinh, vào thời điểm cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa hai nước. Trung Quốc là nước chế biến thủy sản vượt trội và quốc gia này, thông qua các khoản vay của nhà nước và trợ cấp nhiên liệu, đã xây dựng đội tàu đánh cá nước xa lớn nhất thế giới, với hàng nghìn nhà máy sản xuất cá nổi trải khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Cụ thể, bản chính sách chỉ đạo 21 sở và cơ quan liên bang chia sẻ thông tin, phối hợp các hành động thực thi như trừng phạt và hạn chế thị thực để thúc đẩy các biện pháp tốt nhất giữa các đồng minh quốc tế.
Tiếp theo văn bản trên sẽ là các quy định mới từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) mở rộng định nghĩa về đánh bắt bất hợp pháp bao gồm cả lạm dụng lao động.
Kế hoạch hành động cũng kêu gọi mở rộng chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ, trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp thông tin từ các điểm đánh bắt để đảm bảo rằng cá đánh bắt bất hợp pháp không lọt vào quốc gia này.
Evan Bloom, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người từng tham gia đàm phán một số thỏa thuận đánh bắt quốc tế và hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm Wilson tại Washington, cho rằng nỗ lực chống đánh bắt là công việc tiêu tốn nhiều tài nguyên và liệu nước Mỹ có thực sự làm được nhiều hơn hay không phụ thuộc vào việc NOAA có chi nhiều tiền hơn cho các nỗ lực thực thi, thu thập thông tin và kiểm tra hay không.
Tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc ở Lisbon, nơi các quan chức và các nhà khoa học từ hơn 120 quốc gia nhóm họp trong 5 ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích một số quốc gia - nhưng không nêu tên cụ thể - đang tìm kiếm lợi ích kinh tế của riêng thay vì nhu cầu của toàn bộ hành tinh. Liên Hợp Quốc hy vọng hội nghị sẽ mang lại động lực mới cho những nỗ lực kéo dài cho một thỏa thuận đại dương toàn cầu, bao gồm các nỗ lực bảo tồn trên biển.
Các đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt trái đất và cung cấp thực phẩm, sinh kế cho hàng tỷ người. Một số nhà hoạt động gọi đó là khu vực không được kiểm soát lớn nhất trên hành tinh.
Cũng theo Liên hiệp quốc, các mối đe dọa đối với các đại dương còn bao gồm sự ấm lên và axit hóa do ô nhiễm carbon, ô nhiễm chất dẻo lớn và các vấn đề khác. Khai thác biển sâu tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới người lao động và thiếu các quy tắc liên quan tới khai thác biển.