1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dễ dàng tiêu diệt gọn lực lượng tàu ngầm Trung Quốc

Với những điểm yếu chết người, lại gặp lực lượng chống ngầm rất mạnh của Mỹ và đồng minh, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ dễ dàng bị tiêu diệt.

Trung Quốc có thể sở hữu 99 tàu ngầm vào năm 2030

Cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 25-4-2016, hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập đối kháng tàu ngầm tại một khu vực trên Biển Đông.

Hai chiếc tàu ngầm của một chi đội tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải đã tự đối kháng nhau liên tục nhiều ngày đêm, tập trung cho khoa mục diễn tập tấn công-phòng thủ với phương pháp tác chiến sát với thực chiến, nâng cao khả năng đánh thắng khi có chiến sự.

Theo tư liệu của các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ được trích dẫn từ báo cáo “Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc: Ảnh hưởng đối với hải quân Mỹ” do Quốc hội Mỹ cung cấp, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay dao động trong khoảng 66 đến 75 chiếc.

Các chuyên gia Mỹ đưa ra dự đoán, Trung Quốc sẽ sở hữu số lượng tàu ngầm lên tới con số khoảng 69 đến 78 chiếc vào trước năm 2020, và tới năm 2026 nước này có thể sẽ chế tạo được từ 72 đến 81 chiếc.

Theo phân tích của Chủ tịch Tiểu ban sự vụ hải quân thuộc Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ, dự báo số lượng tàu ngầm biên chế cho quân đội Trung Quốc vào trước năm 2030 có thể đạt con số 99 chiếc.

Trung Quốc hiện đang sở hữu số lượng tàu ngầm rất lớn
Trung Quốc hiện đang sở hữu số lượng tàu ngầm rất lớn

Đối với Mỹ, trong điều kiện các kế hoạch đóng tàu suôn sẻ nhất, dự báo số tàu ngầm được biên chế cho hải quân Hoa Kỳ vào trước năm 2030 là 53 chiếc. Điều đó cho thấy Mỹ có lý do để lo ngại về sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Ngoài số lượng tàu ngầm ra, các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc đang làm rất nhiều việc nhằm bảo đảm cho lực lượng tàu ngầm nước này có thể ra, vào Thái Bình Dương.

Minh chứng cho điều này là việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 và tên lửa bờ đối hạm Ưng Kích 62 (YJ-62), cùng máy bay chiến đấu J-11 trên đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), cùng với các căn cứ trên các đảo ở Nam Hải.

Truyền thông nước ngoài cho rằng, những căn cứ và trang bị quân sự này sẽ làm giảm bớt tổn thất do máy bay chống ngầm của Mỹ triển khai ở Nhật bản và Hàn Quốc hoặc từ căn cứ Guam, gây ra cho tàu ngầm của Trung Quốc, một khi xảy ra chiến sự.

Những nguyên nhân khiến tàu ngầm Trung Quốc dễ bị tiêu diệt

Mặc dù bày tỏ sự lo lắng trước sự lớn mạnh của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc nhưng các chuyên gia Mỹ cũng chỉ rõ, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất nhiều điểm yếu mà nếu khai thác triệt để thì việc tiêu diệt lực lượng này là không quá khó.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất nhiều điểm yếu, ví dụ như tiếng ồn rất lớn
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất nhiều điểm yếu, ví dụ như tiếng ồn rất lớn

Vấn đề thứ nhất: Trung Quốc chủ yếu là tàu ngầm thông thường

Tuy hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều tàu ngầm nhưng chất lượng mới là yếu tố quan trọng nhất. Toàn bộ tàu ngầm Mỹ đều là tàu ngầm hạt nhân, trong khi hiện nay hải quân nước này mới có khoảng 6 chiếc. Trong đó, chủ yếu là các tàu ngầm hạt nhân cũ.

Nếu tình hình thuận lợi nhất, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vào năm 2030 mới chỉ chiếm một nửa tổng số biên chế tàu ngầm nước này, với số lượng tên lửa mang theo hạn chế, cùng với khả năng tấn công hạt nhân yếu kém. Do đó, thực lực tàu ngầm của Bắc Kinh vẫn còn kém rất xa so với Washington.

Điểm yếu thứ hai của tàu ngầm Trung Quốc là “quá ồn ào”

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc sẽ không có cách nào xung trận mà không bị phát hiện, bởi vì với mức độ tiếng ồn của chúng như hiện nay, sẽ rất dễ dàng bị phát hiện bởi thiết bị sonar.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 Kawasaki của Nhật và P-8A Poseidon của Mỹ
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 Kawasaki của Nhật và P-8A Poseidon của Mỹ

Tiếng ồn từ những tàu ngầm thế hệ mới nhất của Trung Quốc hiện nay còn cao hơn so với cả tàu ngầm 667BDR Kaľmar (Mực ống) kiểu cũ của Liên Xô, được trang bị từ những năm 70 của thế kỷ trước (NATO gọi là DELTA III).

Vấn đề yếu kém thứ ba là hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc

Các chuyên gia Mỹ không hiểu là Trung Quốc làm thế nào để liên lạc với tàu ngầm khi nó đang hành trình, bởi hải quân nước này hiện chưa có loại máy bay đặc chủng, tương tự như E-6 Mercury của Mỹ (chuyên chỉ huy và giữ liên kết với lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo).

Do đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc không thể nhận lệnh từ Bộ chỉ huy chiến lược và các số liệu tình báo từ vệ tinh hay các hệ thống chỉ huy-cảnh báo sớm, đồng thời không thể liên kết với các lực lượng răn đe hạt nhân, cùng các lực lượng khác của hải quân.

Thiếu khả năng chỉ huy và liên kết, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ phải độc lập tác chiến, vừa không phát huy được hết sức mạnh tấn công của toàn bộ lực lượng, mà còn dễ bị tiêu diệt.

Thứ tư là căn cứ tàu ngầm Trung Quốc dễ bị tấn công

Yếu kém thứ tư đối với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo. Do đó, căn cứ tàu ngầm chiến lược lớn nhất tại đảo Hải Nam là mục tiêu không khó bị tấn công đối với lực lượng chống ngầm của Mỹ và các nước đồng minh.

Tàu đo đạc âm hưởng JDS Hibiki (AOS-5201) của Nhật Bản
Tàu đo đạc âm hưởng JDS Hibiki (AOS-5201) của Nhật Bản

Với khả năng tinh sát rất tốt của Mỹ, hiện căn cứ này đã nằm trong tầm ngắm của các vũ khí tấn công mặt đất tầm xa như tên lửa hành trình và cả tên lửa đạn đạo. Một khi có biến, căn cứ tàu ngầm ở vịnh Á Long-Tam Á sẽ là mục tiêu bị hủy diệt đầu tiên.

Vấn đề thứ 5 là lực lượng chống ngầm của Mỹ và đồng minh quá mạnh

Mỹ đã bắt đầu khôi phục hệ thống giám sát thiết bị cảm biến tàu ngầm dưới đáy biển xây dựng từ thời chiến tranh lạnh, để đối phó với các tàu ngầm Liên Xô. Mỹ và Nhật còn có các tàu đo đạc âm hưởng có khả năng phát hiện chính xác tàu ngầm của nước nào, thuộc chủng loại nào.

Ngoài ra, chỉ tính riêng Mỹ và Nhật Bản đã có gần 200 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, P-1 Kawasakivà P-8A Poseidon. Số lượng máy bay này thừa sức giăng thiên la địa võng khắp Biển Đông và Biển Hoa Đông, phong tỏa lối ra vào Thái Bình Dương.

Hơn nữa, Mỹ còn đang xúc tiến bán các máy bay săn ngầm cũ cho các quốc gia Đông Nam Á nhằm bắt chết tàu ngầm Trung Quốc ngay trên Biển Đông. Có thể nói rằng, bất cứ động thái nào của tàu ngầm Trung Quốc đều không thoát được “mắt thần” của Mỹ và đồng minh.

Theo Minh Quang

Đất Việt