1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ “đau đầu” vì khoản phí hơn 1 tỷ USD tháo dỡ tàu sân bay hạt nhân

(Dân trí) - Một cơ quan chính phủ Mỹ cho biết chi phí tháo dỡ tàu sân bay USS Enterprise có thể bị đẩy lên trên 1 tỷ USD do các vấn đề liên quan tới việc xử lý lò phản ứng hạt nhân của tàu. Mỹ đã “chần chừ” trong suốt thời gian qua để tìm phương án tối ưu nhất cho số phận của tàu sân bay này.

Tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ

Tàu sân bay USS Enterprise (Ảnh: US Navy)
Tàu sân bay USS Enterprise (Ảnh: US Navy)

Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) ngày 2/5 công bố một bản báo cáo, khuyến nghị quốc hội Mỹ nên tham gia vào việc đưa ra quyết định xử lý lò phản ứng hạt nhân trên tàu sân bay USS Enterprise sau khi tàu này bị loại khỏi biên chế. Theo GAO, chi phí tháo dỡ tàu có thể lên tới hơn 1 tỷ USD.

Kể từ khi ngừng hoạt động vào năm 2012 và bị cho "về hưu" vào năm ngoái, USS Enterprise hiện đang nằm “đắp chiếu” chờ ngày số phận định đoạt tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Puget Sound, Washington.

GAO cảnh báo rằng việc tháo dỡ và xử lý hạt nhân của con tàu có thể ngốn từ 1-1,55 tỷ USD. Theo kế hoạch hiện tại, các công nhân nhà máy Puget Sound sẽ phụ trách xử lý 8 lò phản ứng hạt nhân, còn một nhà thầu tư nhân sẽ xử lý phần phi hạt nhân của con tàu.

Theo ước tính của GAO, nếu Mỹ khoán trọn vẹn việc này cho các nhà thầu tư nhân, bao gồm phần xử lý hạt nhân, chi phí sẽ dao động từ 750 triệu tới 1,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, văn phòng phụ trách lò phản ứng của hải quân Mỹ (NR) và Uỷ ban Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC) đã không đạt được sự đồng thuận về việc xử lý phần hạt nhân, vốn nếu không được thao tác cẩn thận có thể gây tổn hại rất nghiêm trọng. Trong khi NR ủng hộ phương án để nhà thầu tư nhân thực hiện toàn bộ thì NRC lại chọn phương án hiện tại, cho rằng họ sẽ chịu trách nhiệm với phần xử lý các lò hạt nhân.

Hiện GAO đang yêu cầu quốc hội Mỹ xem xét lại toàn bộ phương án và cho phép NR hợp tác với NRC tìm cách giảm khoản chi phí “khổng lồ”.

Theo kế hoạch hiện tại, chất thải hạt nhân sẽ được chôn ở bãi Hanford của Bộ Năng lượng ở bang Washington. Còn kế hoạch thuê nhà thầu tư nhân xử lý hoàn toàn, hiện chưa rõ chất thải hạt nhân sẽ được đưa đi đâu.

USS Enterprise là tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên của hải quân Mỹ, gia nhập biên chế vào năm 1961 với chi phí xây dựng tương đương 3,9 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá hiện tại).

Đây là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất thuộc lớp Enterprise và cũng là tàu hải quân dài nhất từng được chế tạo. Trong 51 năm phục vụ, tàu sân bay này đã di chuyển hơn 1,6 triệu km trên toàn thế giới.

Đức Hoàng

Theo Dailymail