Mỹ cử 290 lính nhảy dù đến miền bắc Ukraine
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua 19/3 thông báo khoảng 290 lính nhảy dù của quân đội nước này sẽ đến miền bắc Ukraine trong tháng tới để huấn luyện 3 tiểu đoàn lính vệ binh quốc gia nước này, một bước tiến lớn trong nhiệm vụ được lên kế hoạch từ lâu của Lầu Năm Góc.
Mỹ sẽ cử 290 lính nhảy dù đến miền bắc Ukraine. (Ảnh: AP)
Báo chí phương Tây dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, hôm qua thông báo 290 thành viên của Lữ đoàn Không vận số 173 đóng căn cứ tại Vicenza, Ý vào khoảng cuối tháng 4 sẽ tới trung tâm huấn luyện Yavoriv tại miền bắc Ukraine, đào tạo cho lính chính phủ Kiev.
Đại tá Warren cho hay hiện chưa có thông tin về ngày giờ đích xác của nhiệm vụ trên. Kế hoạch huấn luyện cho lính Kiev từng được thông báo từ tháng 8 năm ngoái, và dự kiến sẽ được bắt đầu vào giữa tháng 3, nhưng đã bị trì hoãn.
Trung tướng Ben Hodges, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, tuần này thông báo với báo giới rằng mục đích của việc trì hoãn nhiệm vụ huấn luyện cho lính Ukraine là nhằm tránh cho Mátxcơva một lý do để phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 ký kết giữa phe chính phủ Kiev và phe ly khai thân Nga hồi tháng 2 vừa qua.
Hiện vẫn có các cuộc giao tranh xảy ra dù hiệp định Minsk 2 đã có hiệu lực từ ngày 15/2. Quân đội Ukraine cho hay trong ngày 18/3, phe ly khai đã tiến hành các cuộc tấn công gây ra thương vong. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố có gần như không thể lạc quan rằng Nga và phe ly khai sẽ tuân thủ hiệp định đã ký.
Mới đây, Mátxcơva và Kiev đã xung đột gay gắt về quá trình thực hiện một điều khoản trong thỏa thuận Minsk 2. Một dự luật trao quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ miền đông Ukraine, được quy định trong thỏa thuận Minsk 2, đã được Quốc hội nước này thông qua hôm 17/3 nhưng với một số thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho phe ly khai.
Kiev đã quy định rằng quy chế đặc biệt sẽ chỉ có hiệu lực với điều kiện các cuộc bầu cử trong khu vực phải được tổ chức theo luật của Ukraine với sự giám sát của quốc tế trước khi quy chế tự trị được cấp cho các khu vực miền đông.
"Kiev trên thực tế đang tìm cách thay thế tất cả các quan chức được bầu ở miền đông bằng người của họ. Chỉ khi những vùng lãnh thổ phía đông được lãnh đạo bởi những người mà Kiev cho là thích hợp thì dự luật mới có hiệu lực”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Thoa Phạm
Tổng hợp