1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể tạo cuộc chiến Iraq phiên bản 2 tại Syria?

Nếu phương Tây gạt đề xuất điều tra "sự kiện Idlib", Moscow có thể chặn mọi hành động nhân danh công lý phục vụ mưu đồ chính trị từ sự kiện này....

Phương Tây định danh Damascus là thủ phạm gây ra “sự kiện Idlib”, nhằm tạo ra một “Iraq.2” tại Syria?

Hành động tấn công bằng vũ khí hoá học tại Idlib, Syria ngày 4/4 đang làm nóng cả dư luận lẫn công luận và nóng nhất vẫn là tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - nơi có thể bắt đầu cho những hành động tiếp theo, mà sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho ván cờ Syria.

Vụ tấn công vụ khí hoá học tại Idlib chỉ là nguyên cớ, mục tiêu vẫn là chính quyền Assad và bàn cờ chính trị tại Syria.

Cả Nga và các đối thủ phương Tây liên tục có những phát biểu nóng về “sự kiện Idlib” mà việc xác định thủ phạm chính gây ra vụ việc đã thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của các bên.

Nga đã lên tiếng và cho biết quân đội chính phủ Syria đã không kích vào một kho vũ khí của phe nổi dậy có chứa các vũ khí hóa học khiến một thị trấn Bắc Syria nhiễm độc.

Chôn cất nhạn nhân bị thệt mang trong sự kiện Idlib
Chôn cất nhạn nhân bị thệt mang trong "sự kiện Idlib"

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nêu rõ : “Quân đội Nga đã ghi nhận một vụ không kích của không quân Syria diễn ra vào ngày 4/4, với mục tiêu là các kho vũ khí và nhà máy sản xuất đạn dược nằm ở vùng ngoại ô phía Đông thị trấn do phe nổi dậy kiểm soát ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib”.

Như vậy, quân đội Syria có liên quan đến vụ việc, cho dù không phải là mang vũ khí hoá học đi tấn công đối thủ, nhưng chỉ cần có vậy là Washington và đồng minh kết luận ngay Damascus là thủ phạm gây ra “sự kiện Idlib”.

Phương Tây vốn đang rất nóng lòng có một nghị quyết của HĐBA lên án Damascus về việc sử dụng vũ khí hoá học để tạo lợi thế cho họ tại Syria.

Vì vậy, Mỹ và các đồng minh đã quyết đưa chính quyền Assad vào trường hợp xấu nhất trong tất cả các trường hợp có thể xảy ra sau “sự kiện Idlib”, đó là không cho Assad sửa chữa và không cho Moscow cơ hội cứu giúp Damascus.

Việc tiếp theo là phản ứng với hành động dã man tại Idlib – việc xác định thủ phạm, phương Tây coi như đã xong.

Đây là điều mà Moscow cũng như Damascus không thể chấp nhận, bởi theo như đại diện Bộ Quốc phòng Nga xác nhận sự việc thì hành xử của phương Tây chẳng khác nào họ bao che cho hành động “ném đá giấu tay” của phe đối lập, sau đó “gắp lửa bỏ tay Assad”.

Và đương nhiên Moscow phải phản ứng với kiểu hành xử “vừa ăn cướp vừa la làng” ấy của các đối thủ.

Khi Moscow xác định quân đội Syria không kích trúng kho vũ khí và nhà máy sản xuất vũ khí của phe đối lập ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, thì xảy ra vụ việc vũ khí hoá học – khí Sarin phát tán, giết hại dân thường - phương Tây phải thúc đẩy một cuộc điều tra để xác định chính xác thủ phạm.

Song Mỹ và các đồng minh lại cứ nhăm nhăm vào việc ra nghị quyết lên án vụ việc với thủ phạm được họ định danh là chính quyền Assad.

Truyền thông quốc tế đưa tin, sau khi có bài phát biểu được cho là rất cảm động tại cuộc họp của HĐBA, với cả hình ảnh trẻ em bị chết ngạt tại Idlib được đưa ra để thuyết phục các nước ủng hộ việc đưa ra những hành động nhằm ngăn chặn Syria, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cho rằng, vụ tấn công tại Idlib mang “mọi dấu hiệu” cho thấy đó là sản phẩm của chính quyền Damascus.

Bà Haley còn cho biết thêm, độc tố được sử dụng trong vụ tấn công hôm 4/4 nguy hiểm “chết người” hơn những loại vũ khí hóa học khác từng được sử dụng trong những cuộc tấn công trước đây mà Washington tin là do quân đội Syria gây ra. Và bà Đại sứ Mỹ đã cáo buộc: “Sự thực là Nga, Iran và Tổng thống Assad không mong muốn có hòa bình cho Syria”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley thể hiện quan điểm cứng rắng của Washington sau sự kiện Idlib
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley thể hiện quan điểm cứng rắng của Washington sau "sự kiện Idlib"

Thực tế đó báo trước việc một nghị quyết của HĐBA sẽ khó được thông qua hoặc nếu có được sẽ không như mong muốn của phương Tây.

Điều đó sẽ bất lợi cho Mỹ và Washington đã cho biết sẽ hành động một mình ở Syria nếu HĐBA không có những bước đi nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này.

“Khi Liên Hợp Quốc liên tục thất bại trong nhiệm vụ hành động tập thể, sẽ có những thời điểm khó khăn mà chúng tôi buộc phải hành động một mình”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định. Phải chăng Washington muốn thực hiện kịch bản “Iraq phiên bản 2” tại Syria để tạo ra bước ngoặt cũng như thay đổi vị thế của họ tại ván cờ này trước Moscow?

Liệu Moscow có bảo vệ được Assad khi Washington hạ quyết tâm?

Phản ứng với bản phác thảo nghị quyết lên án Syria sau “sự kiện Idlib” do Anh, Pháp, Mỹ đệ trình, quyền Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov đã chỉ trích bản phác thảo nghị quyết đó là thiếu công bằng với những kết luận được đưa ra vội vã.

“Bản phác thảo đó đã được đưa ra một cách vội vã và nếu phê chuẩn nó thì đây sẽ là hành động vô trách nhiệm”.

Theo nhà ngoại giao Nga, bản phác thảo nghị quyết cần phải có nhiều điều sửa đổi như kêu gọi phe nổi dậy kiểm soát khu vực nơi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học - “sự kiện Idlib’ - cho phép các nhà điều tra tiếp cận đầy đủ với hiện trường đồng thời cần một cuộc điều tra toàn diện đối với vụ tấn công hôm 4/4.

Ông Safronkov cũng đổ lỗi cho các nước thành viên phương Tây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc không sẵn sàng tiến hành điều tra những vụ tấn công trước đây được cho là có liên quan đến vũ khí hóa học ở Syria.

Trong các vụ việc đó, phe nổi dậy bị cáo buộc sử dụng các chất độc hóa học. Sự tranh cãi qua lại giữa Nga với phương Tây cho thấy mâu thuẫn sâu sắc vẫn là khoảng cách rất lớn giữa các cường quốc trong cuộc nội chiến ở Syria.

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi là sau những phát biểu của nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ cho thấy Washington sẽ có hành động quyết liệt với Damscus và có thể xảy ra một “Iraq.2”, vậy liệu Nga có thể cứu đồng minh Assad thêm một lần nữa như họ từng làm dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cũng bằng chính “nước cờ vũ khí hoá học”?

Một Iraq.2 sẽ không thể xảy ra tại Syria, dù phương Tây có mong muốn
Một "Iraq.2" sẽ không thể xảy ra tại Syria, dù phương Tây có mong muốn

Có thể thấy rằng, việc Mỹ và các đồng minh có thể lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq, là do thiếu “yếu tố Nga” trong việc tạo ra chướng ngại vật cho các hành động ấy của Washington và đồng minh.

Tuy nhiên, với chính quyền Tổng thống Assad tại Syria thì tình hình đã khác.

Có thể nhận diện, việc Mỹ và đồng minh dùng bom đạn để tấn công và lật đổ chính quyền Assad là khó xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay, cho dù Washington có mong muốn làm điều đó đi chăng nữa.

Việc Obama việt vị trước Putin trong “nước cờ vũ khí hoá học” khiến cho vị thế của Washington trong ván cờ Syria chỉ là “lấp ló bên cánh gà” và chính quyền Trump đã có nhiều động thái nhằm thay đổi vị thế đó, song xem ra chưa tìm được giải pháp tối ưu.

Washington đã phải xuống nước trước đối thủ khi tử bỏ điều kiện tiên quyết là loại bỏ Assad khỏi tiến trình chính trị tại Syria, mà “nhường quyền” đó cho nhân dân Syria.

Cho dù, nước đi mang tính “khổ nhục kế” này có thể giúp cho Washington sớm trở thành đồng đạo diễn với Moscow trong ván cờ Syria qua việc thiết kế một nền hoà bình uỷ nhiệm cho Syria, song đó vẫn chỉ là “vạn bất đắc dĩ” với Washington.

Do vậy, việc thiết kế một nghị quyết của LHQ lên án Damascus trong việc sử dụng vũ khí hoá học vẫn luôn là mục tiêu của Washington và nay thì họ có thể đẩy nhanh việc đó, bất chấp chứng cứ chưa rõ ràng. Và nếu bị Moscow phủ quyết thì Washington sẵn sàng hành động đơn phương, buộc Moscow phải rơi vào thế bị động.

Có thể nhận định, mục đích của Washington là giảm tối đa ưu thế của Moscow trong ván cờ Syria, qua đó làm cho nền tảng quyền lực của chính quyền Assad nằm ở thế bấp bênh nhất và khi một nền hoà bình uỷ nhiệm được thiết kế thì việc ra đi của Assad là đương nhiên. Khi đó sẽ là một bàn cờ chính trị theo ý đồ của Mỹ tại Syria và khiến Moscow thành “dã tràng xe cát”.

Vậy Moscow sẽ làm gì để hoá giải những mối nguy đó, nhất là khi “sự kiện Idlib’ đang gây phẫn nộ trong dư luận và đối phương đang đẩy phần bất lợi về phía Moscow cùng chính quyền Assad? Cá nhân người viết cho rằng, khi tuyên bố nguyên nhân khí sarin phát tán là do quân đội Syria không kích trúng kho vũ khí của phe đối lập, là Moscow đã chọn biện pháp điều tra vụ việc.

Bởi lẽ, nếu Washington và các đồng minh gạt bỏ đề xuất này thì Moscow có thể ngăn chặn bất cứ hành động nào nhân danh công lý để phục vụ cho mưu đồ chính trị từ sự kiện đau lòng tại Idlib, ngay cả khi đối phương đã "đặt tay lên cò súng”.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt