Mỹ có thể đồn trú 2 tàu sân bay ở Nhật Bản
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới được công bố hôm 19/11 của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) cho thấy Mỹ có khả năng sẽ đưa 2 tàu sân bay tới đồn trú ở các căn cứ tại Nhật Bản.
Chỉ cần thêm một tàu sân bay tại căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, Hải quân Mỹ sẽ đáp ứng được toàn bộ nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải và các lợi ích của nước này ở Thái Bình Dương, cũng như thực hiện các cam kết của Washington trong khu vực, mà không cần phải đóng thêm các loại tàu chiến. Đây là kết luật trong nghiên cứu mới được công bố của CSBA.
Mặc dù sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới nhưng Hải quân Mỹ không thể duy trì sự hiện diện liên tục trên toàn cầu. Do đó, nghiên cứu của CSBA nhận định: “Hải quân Mỹ và lực lượng thủy quân lục chiến đang gặp thách thức khi họ không thể phân bổ đồng đều sao cho đáp ứng được hết tất cả những yêu cầu hiện nay”.
“Cả hai lực lượng này đều cầu duy trì sự hiện diện ở mức độ cao hơn một kế hoạch thông thường về triển khai thêm quân cũng như ngày càng có thêm những vấn đề đòi hỏi Mỹ phải đồn trú thêm tàu tới các căn cứ ở nước ngoài”, CSBA đánh giá.
Tính tới nay, Hải quân Mỹ đang triển khai 272 tàu chiến các loại, đây là con số lớn nhất và hùng hậu nhất của một lực lượng hải quân trên thế giới. Tới năm 2028, Hải quân Mỹ sẽ có 321 tàu chiến làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm còn 305 tàu vào năm 2014.
Trong thời gian tới, các vấn đề liên quan tới ngân sách cũng có thể ảnh hưởng tới số lượng tàu chiến Mỹ triển khai trên thế giới. CSBA nhận xét: “Khó có khả năng Hải quân Mỹ sẽ tăng đáng kể số lượng tàu trong thời gian tới. Kế hoạch đóng tàu hiện nay cần thêm 5 tới 7 tỷ USD mỗi năm, hơn mức trung bình trong lịch sử 30 năm qua. Do vậy, Hải quân Mỹ có thể phải xem lại kế hoạch của mình nhằm đáp ứng các ràng buộc tài chính”.
Nhận định trên đồng nghĩa với việc có ít tàu chiến sẵn sàng, Hải quân Mỹ sẽ phải kéo dài thời gian hoạt động của các tàu hiện nay, cũng như giảm bớt thời gian huấn luyện và bảo dưỡng. Kế hoạch mới mang tên Tối ưu hóa các hạm đội khi được triển khai sẽ cho phép Hải quân Mỹ vận hành hiệu quả giữa công tác huấn luyện và bảo dưỡng trong thời gian triển khai tàu tới các căn cứ trên thế giới.
“Một số thông tin cho thấy Hải quân Mỹ sẽ giảm sự hiện diện của các tàu chiến ở nước ngoài khi thay đổi theo phướng thức 8 tháng triển khai trong chu kỳ 32 tháng với tàu sân bay và tàu chiến sang 8 tháng triển khai trong chu kỳ 36 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tàu chiến Mỹ sẽ giảm từ 25% thời gian trong chu kỳ triển khai xuống còn 22%”, nghiên cứu của CSBA đánh giá.
Trên thực tế, để đưa tàu từ Mỹ tới các căn cứ ở phía Tây Thái Bình Dương đã chiếm 15% tới 20% thời gian trong chu kỳ triển khai. Do đó, CSBA nhận định khoảng thời gian này có thể được rút ngăn nếu tàu chiến Mỹ đã được đồn trú sẵn và được sửa chữa tại ngay căn cứ đó.
Theo ước tính, một tàu sân bay đồn trú tại Mỹ chỉ giành 25% thời gian trong chu ký hoạt động cho các chiến dịch, trong khi một tàu sân bay đồn trú tại Nhật Bản sẽ giành tới 67% số thời gian trong chu kỳ đó. Con số có sự khác biệt và CSBA cho rằng một tàu sân bay ở Nhật Bản có thời gian hoạt động bằng ba tàu chiến đồn trú ở Mỹ tới các căn cứ nước ngoài.
Tuy nhiên, dường như Hải quân Mỹ chưa tính tới phương án tiết kiệm thời gian di chuyển nêu trên. Một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ trả lời phỏng vấn tạp chí Defense News cho rằng “chúng tôi hiện chưa tính tới phương án triển khai thêm tàu sân bay tới Nhật Bản”.
Ngọc Anh
Theo TheDiplomat