Mỹ cố kéo Trung Âu khỏi Nga, Trung Quốc
Sự thiếu gắn kết của Mỹ ở Trung Âu những năm gần đây đã tạo nên khoảng trống để Nga và Trung Quốc tăng ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du Trung Âu. Thường thì một chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ đến các đồng minh Trung Âu phần nhiều mang tính đáp trả lịch sự xã giao. Tuy nhiên, chuyến công du này của ông Pompeo lại không như thế, theo The Hill. Hungary là điểm dừng chân đầu tiên của ông Pompeo, tiếp đó sẽ là Slovakia và Ba Lan. Đây là một phần trong nỗ lực sửa chữa sự thiếu gắn kết của Mỹ với khu vực khiến Trung Quốc (TQ) và Nga rộng cửa tạo ảnh hưởng hơn, theo Reuters.
Còn theo Politico, ông Pompeo có nhiệm vụ phải đảm bảo các đồng minh không xa rời Mỹ. Trước chuyến đi của ông Pompeo, một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ nói sự thiếu gắn kết của Mỹ ở khu vực trong những năm gần đây đã tạo nên một khoảng trống.
Tranh thủ ngăn đồng minh khỏi Nga, TQ
Tại Budapest ngày 11-2, ông Pompeo nói Mỹ sẽ gắn kết hơn với khu vực, sẽ không để Tổng thống Nga Vladimir Putin “đặt một cái nêm giữa những người bạn trong NATO”. Ông Pompeo thông báo kế hoạch ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Hungary, một trong những nước châu Âu đang có sự nhiệt tình lớn với sự đầu tư của TQ. Ông Pompeo cho biết ông đã bàn với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto về “các mối nguy hiểm khi cho phép TQ củng cố được vị trí ở Hungary”.
Ông Pompeo dự kiến cũng sẽ thông báo sáng kiến mới của Mỹ với khu vực nhằm ngăn ảnh hưởng của Nga và TQ. Dự kiến ông Pompeo cũng sẽ lên tiếng quan ngại về các quan hệ năng lượng của châu Âu với Nga, đề nghị Hungary không ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt TurkStream từ Nga sang châu Âu. Phần lớn khí đốt Hungary sử dụng là mua từ Nga và nguồn điện chính của nước này là từ nhà máy điện hạt nhân Paks nơi Nga đầu tư 12,5 tỉ euro. Tại Ba Lan, ông Pompeo dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị về Trung Đông với hy vọng xây dựng được một liên minh chống Iran.
Theo Politico, ông Pompeo phải khéo léo với chuyến đi này. Nếu không muốn các đồng minh châu Âu thêm xa lánh Mỹ vì thất vọng và hoang mang với chính sách đối ngoại của chính phủ Trump, ông Pompeo cần phải tạo được sự cân bằng giữa khen và chê các nước này.
Cả Hungary và Ba Lan đều đang vướng các vụ việc liên quan kỷ luật của EU, bị cáo buộc gây rủi ro cho các giá trị cơ bản của khối. Trong khi đó, uy tín Slovakia bị giảm mạnh liên quan vụ một nhà báo bị giết trong khi điều tra đường dây mafia có vẻ liên quan đến trung tâm chính phủ.
Chuyến đi rủi ro
Trong một bài viết trên The Hill, nhà nghiên cứu chính trị châu Âu Dalibor Rohac tại Viện Kinh doanh Mỹ nhận định đây là chuyến đi nhiều rủi ro với ông Pompeo.
Hungary và Ba Lan đang hy vọng sẽ mua hệ thống tên lửa phòng thủ tầm trung từ Mỹ. Slovakia thì đang hy vọng mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. |
Điểm đến đầu tiên Hungary là rủi ro lớn nhất. Dù thủ tướng nước này Viktor Orban theo đuổi phong cách, chính sách chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng Ba Lan vẫn bị cho là một đồng minh không đáng tin cậy. Trong những tháng gần đây, Hungary có nhiều hành động đi ngược lại quyền lợi của Mỹ ở nhiều mặt. Hungary cho ngưng hoạt động của trường đại học Trung Âu có hợp tác với New York (Mỹ) dù Mỹ phản đối. Hungary gửi trùm buôn bán vũ khí Lyubisshins về Nga thay vì dẫn độ sang Mỹ. Hungary cản trở Ukraine gia nhập NATO và EU.
Khắp Trung Âu, dường như làn sóng xa lánh Mỹ và đến gần Nga ngày càng rõ. Đồng minh Ba Lan thời gian gần đây hứng nhiều chỉ trích từ Mỹ với cáo buộc đàn áp truyền thông. Tại Slovakia, chính phủ liên minh nước này đang chia rẽ giữa thành phần xem EU và NATO có vai trò thiết yếu với an ninh, thịnh vượng nước này và thành phần xem Nga và TQ là các đối tác đáng tin.
Với bối cảnh này, ông Pompeo cần phải hành xử khéo léo, thận trọng. Đặc biệt ông Pompeo phải tránh có các phát ngôn bi quan về châu Âu như ông từng phát biểu ở Brussels (Bỉ) vào tháng 12-2018. Nếu các nước Trung Âu bị buộc phải lựa chọn giữa EU và Mỹ thì khả năng lớn các nước này sẽ chọn cách an toàn hơn là bỏ Mỹ theo EU.
Nghiêm trọng hơn, bất kỳ sự chỉ trích nào từ người đứng đầu ngoại giao Mỹ với EU cũng sẽ làm lợi cho thành phần phản đối sự hợp tác châu Âu và liên minh xuyên Đại Tây Dương. Như vậy, nếu muốn củng cố sự gắn kết giữa Trung Âu và Mỹ thay vì đẩy khu vực này vào vòng tay của Nga, ông Pompeo không nên lặp lại các chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump với châu Âu.
Tăng uy tín cho Trung Âu
Chuyến thăm của ông Pompeo sẽ giúp tăng uy tín của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người đang theo đuổi các chính sách giống chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump như cứng rắn với nhập cư. Trước chuyến thăm của ông Pompeo, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto đã nói chuyến đi là bằng chứng cho thấy Hungary là một đồng minh đáng tin của NATO. Theo Ngoại trưởng Hungary Szijjarto, quan hệ chính trị Mỹ-Hungary mang lại quyền lợi lẫn nhau. Hungary đứng về phía Mỹ khi phản đối hiệp ước nhập cư toàn cầu của Liên Hiệp Quốc và không chỉ trích việc Mỹ chuyển đại sứ quán tại Tel Aviv (Israel) về Jerusalem.
Cũng như Hungary, chính phủ Ba Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ chuyến thăm của ông Pompeo, đặc biệt khi nước này phối hợp với ông Pompeo tổ chức hội nghị về Trung Đông. Một quan chức Ba Lan cho biết không chỉ có ông Pompeo mà cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng sẽ có mặt ở Warsaw để dự sự kiện này. Các thành phần chỉ trích chính phủ Ba Lan cho rằng dàn lãnh đạo nước này đang cố tranh thủ ông Trump khi Ba Lan đang ngày càng bị cô lập trong EU.
Theo Thiên Ân
Pháp luật TP.HCM