1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ chuyển gấp tên lửa hành trình JASSM-ER đến Ba Lan

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin quân sự Ba Lan cho biết, Mỹ vừa chuyển gấp tên lửa hành trình JASSM-ER đến căn cứ Krzesiny của Ba Lan nhằm đối phó Nga.

Chuyển gấp tên lửa

Thông tin này đã được Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Bartosz Kovnatskogo xác nhận và cho biết các tên lửa sẽ được trang bị cho các chiến đấu cơ F-16 đang có mặt tại các căn cứ ở Poznan và Laski.

Điều khá bất ngờ là bởi hồi cuối năm 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ mới chấp thuận bán 70 tên lửa hành trình không đối đất JASSM-ER cho Ba Lan và như vậy, chỉ khoảng 1 tháng sau Mỹ đã chuyển gấp số vũ khí tầm xa này cho Ba Lan - thời điểm Mỹ và Ba Lan vừa tiến hành cuộc tập trận với quy mô lớn.

Dù việc chuyển giao đã được công khai và mục đích của cả Mỹ và Ba Lan đã khá rõ ràng, tuy nhiên tên lửa JASSM-ER của Ba Lan có khiến Nga e ngại hay không lại là chuyện khác.

Tên lửa hành trình JASSM-ER.
Tên lửa hành trình JASSM-ER.

Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ nhà sản xuất cho biết, tên lửa AGM-158B JASSM-ER là biến thể nâng cấp lớn từ hệ thống tên lửa hành trình tấn công tầm xa AGM-158 JASSM được đưa vào sản xuất từ năm 1998. JASSM-ER sử dụng nguyên tắc "bắn và quên" và khả năng miễn dịch với các hệ thống gây nhiễu để có thể tiếp cận và tấn công cả các tàu chiến đối phương.

Tên lửa JASSM hoạt động nhờ vào sự dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống dẫn đường quán tính, để tìm các mục tiêu quan trọng của đối phương trong suốt hành trình bay. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sẽ sử dụng thiết bị dò hồng ngoại để phát hiện chính xác một mục tiêu cụ thể trước khi lao vào tiêu diệt.

Tên lửa có chiều dài 4,26m, đường kính 550mm, trọng lượng phóng 1.023 kg, được trang bị đầu đạn xuyên nặng 432 kg, tầm tiêu diệt mục tiêu của biến thể tiêu chuẩn là 370 km. Trong khi đó, biến thể ER có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 926 km.

Với sức mạnh của JASSM-ER, tên lửa này thực sự là cơn ác mộng với nhiều đối thủ, tuy nhiên Nga lại không quá bận tâm với tên lửa JASSM-ER. Theo Sputnik, lý do là bởi Nga đang sở hữu dòng tên lửa hành trình Kh-101 có tầm bắn gấp 9 lần JASSM-ER và Nga sẵn sàng đáp trả nếu thấy bị nguy hiểm.

Dù Nga tuyên bố JASSM-ER không thực sự đáng ngại nhưng việc Mỹ chuyển giao loại vũ khí tầm xa này cho Ba Lan khiến nhiều người quan tâm bởi nó diễn ra ngay khi cuộc tập trận quy mô lớn gây tranh cãi giữa Mỹ và Ba Lan kết thúc.

Theo những hình ảnh ghi nhận được từ cuộc tập trận này, những lần khai hỏa từ nòng pháo của các xe tăng Mỹ nhằm thẳng hướng về phía Nga. Cùng với tập trận chung, đã có khoảng 2.700 xe tăng và thiết bị đã được đưa sang các nước Đông Âu được coi là nhằm bảo vệ các mối đe dọa nguy hiểm, nhưng đa số đều hướng thẳng trực tiếp về phía Nga.

Trong số lượng lớn các xe tăng tham gia luyện tập có xe tăng M1A2 được đào tạo cùng với quân đội Ba Lan khi các lực lượng NATO đổ dồn quân sự vào vùng biên giới giữa châu Âu và Nga.

Chốt chặn

Cùng với việc chuyển giao tên lửa khủng từ Mỹ, Ba Lan vừa tuyên bố sẽ lập ra một lực lượng quân sự mới để đối phó với nguy cơ bị láng giềng tấn công. Kế hoạch của quân đội này được thực hiện nhằm sẵn sàng đối phó với mọi "mối đe dọa" từ Nga.

Lực lượng này đã được xác định sẽ tổ chức từ nay tới 2019 để tập trung khoảng 53.000 người. Lực lượng trên được Ba Lan xây dựng theo mô hình Vệ binh Quốc gia của Mỹ, trong đó có cả những dân thường tình nguyện tham gia huấn luyện quân sự để cầm súng khi cần.

Tỷ lệ sĩ quan và binh sĩ chuyên nghiệp sẽ chiếm khoảng 6% - 8% trên tổng số, với vai trò chỉ huy của các đơn vị tình nguyện. Để thực hiện kế hoạch trên, Ba Lan sẽ phải chi ra khoảng 800 triệu euro trong thời gian xây dựng lực lượng kéo dài 3 năm.

Theo Warsaw, đây là bước đi cần thiết để nước này tránh rơi vào tình cảnh... như những gì đang diễn ra tại miền Đông Ukraine, mà Nga bị cáo buộc can dự sâu sắc (?)

Theo Đan Nguyên

Đất Việt