1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ chưa có động thái trở lại Hiệp định CPTPP

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết: CPTPP là Hiệp định mở nên nếu các nước chấp nhận các tiêu chuẩn của CPTPP thì đều có thể tham gia. Riêng với Mỹ, đến nay vẫn chưa có động thái gì cho thấy nước này sẽ quay trở lại với CPTPP.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 (HNNG 30) diễn ra tại Hà Nội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

- Phóng viên: Thưa ông, sau nửa năm 11 thành viên đặt bút ký kết Hiệp định CPTPP, đến nay việc phê chuẩn Hiệp định đang diễn ra như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Hiện nay đã có 3 nước hoàn thành thủ tục phê chuẩn CPTPP, đó là: Mexico, Nhật Bản và Singapore, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một số nước. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị để hoàn tất các thủ tục nhằm phê chuẩn Hiệp định CPTPP ngay trong năm nay.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường

Theo quy định của Hiệp định, chỉ cần 6/11 nước thành viên phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực, vì vậy tôi rất hi vọng đến quý I/2019 Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực.

- Được biết, Bộ Công thương Việt Nam sắp trình Quốc hội thông qua CPTPP, hiện còn có khó khăn hay vấn đề gì để CPTPP được phê chuẩn tại Việt Nam không thưa ông?

Theo tôi biết thì Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành chức năng của Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP trong kỳ họp cuối năm nay, mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng tiến độ.

Khi Hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và có thể rộng lớn hơn nữa. Đơn cử như Nhật Bản, họ sẽ áp dụng thuế suất bằng 0 khi Hiệp định có hiệu lực, do đó nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, thuỷ hải sản sẽ rất có lợi để vào thị trường nước này.

- Đây là một Hiệp định mở và đang để ngỏ khả năng Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP, đến thời điểm này đã có những tín hiệu gì cho cho thấy CPTPP sẽ có thêm thành viên mới thưa ông?

CPTPP là Hiệp định mở nên không chỉ Mỹ mà các nước nếu chấp nhận các tiêu chuẩn của CPTPP thì đều có thể tham gia. Các nước thành viên CPTPP sẽ xem xét việc tham gia của các thành viên mới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc quan trọng đầu tiên là phải đưa CPTPP trở thành Hiệp định có hiệu lực và đi vào hoạt động.

- Mỹ đã có động thái nào cho thấy sẽ quay trở lại CPTPP chưa thưa ông?

Hiện nay tôi chưa thấy Mỹ có động thái nào thể hiện việc sẽ quay trở lại CPTPP.

- Xin cảm ơn ông!

CPTPP chính thức được ký kết tại Santiago - Chile hồi tháng 3/2018, gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…

Hiệp định CPTPP là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác.

Châu Như Quỳnh