1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ chính thức loại Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố

(Dân trí) - Mỹ hôm qua đã loại CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố của nước này, trong nỗ lực cứu vãn các cuộc đàm phán phi hạt nhân đang có nguy cơ đổ vỡ vào những tháng cuối của chính quyền Tổng thống Bush.

Theo người phát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ Sean McCormack, quyết định trên được đưa ra sau khi Triều Tiên đồng ý với một loạt biện pháp kiểm chứng các cơ sở hạt nhân.

 

“Ngoại trưởng đã loại CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách Quốc gia tài trợ cho khủng bố, và quyết định có hiệu lực ngay lập tức”, McCormack cho biết trong một cuộc họp báo.

 

Theo thoả thuận mới đạt được, Triều Tiên sẽ nối lại hoạt động tháo dỡ các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên LHQ cùng Mỹ giám sát.

 

Triều Tiên đã chiến thắng?

 

Động thái trên của chính quyền Tổng thống Bush không được phe bảo thủ trong đảng Cộng hoà ủng hộ. Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton gọi những biện pháp kiểm chứng được đưa ra là “thảm bại”.

 

“Tôi nghĩ đây là một nỗi xấu hổ thực sự. Ở đây Triều Tiên đã giành được 95% chiến thắng và đạt được mục tiêu chính trị lớn, đổi lại Mỹ không có gì”, Bolton nhận xét.

 

Nghị sỹ bang Florida Ileana Ros-Lehtinen, thuộc Uỷ ban đối ngoại Hạ viện cho biết bà “rất thất vọng” khi Triều Tiên được trao thưởng cho những hành động “đe doạ cho quyền lợi chính đáng của Mỹ”.

 

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ ra sức bảo vệ quyết định của chính quyền Bush. McCormack cho rằng  thoả thuận vẫn còn phải được chính thức hoá với các bên khác trong 6 nước tham gia đàm phán hạt nhân Triều Tiên. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ được tiếp cận với tất cả các cơ sở hạt nhân đã được tuyên bố và “dựa trên sự đồng thuận chung” đối với những cơ sở phía Bình Nhưỡng không nêu ra.

 

Bên cạnh đó, cơ quan năng lượng nguyên tử của LHQ (IAEA) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng và Mỹ có thể sẽ lấy mẫu các nguyên liệu hạt nhân để kiểm tra.

 

Vẫn còn những lệnh cấm vận khác

 

Trong khi loại Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố, McCormack khẳng định rõ nước này vẫn phải chịu vô số biện pháp trừng phạt khác vì vụ thử hạt nhân năm 2006 và vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

 

Bình Nhưỡng đã thử một quả bom hạt nhân có dùng pluton vào năm 2006 và bị nghi ngờ đang theo đuổi chương trình làm giàu urani, có thể giúp mở ra con đường thứ hai cho nước này tạo nguyên liệu tách cho vũ khí hạt nhân.

 

Theo McCormack  những biện pháp kiểm chứng mới đã được nhất trí bao gồm cả chương trình plutoni và bất kỳ hoạt động làm giàu cũng như phát triển urani nào.

 

Động thái cứu vãn thoả thuận hạt nhân của Mỹ được đưa ra đúng thời điểm Triều Tiên đang nỗ lực xây dựng lại cơ sở hạt nhân của mình ở Yongbyon và cấm các thanh sát viên quốc tế tiếp cận nhà máy hạt nhân có từ thời Liên Xô cũ này.

 

Theo nhiều nhà phân tích, vì chỉ còn ba tháng nữa là chính quyền Tổng thống Bush kết thúc nhiệm kỳ của mình, nên Ngoại trưởng Rice mong muốn đánh dấu một chữ “V” chiến thắng trong chính sách ngoại giao với Triều Tiên, nước Tổng thống Bush từng coi là một mắt xích trong “liên minh ma quỷ”.

 

Theo thoả thuận mang tính bước ngoặt đạt được vào năm 2005 giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, Bình Nhưỡng đã đồng ý từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân của mình để đổi lại lấy những lợi ích về kinh tế cũng như ngoại giao.

 

Và theo một thoả thuận sau đó, Mỹ gợi ý sẽ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, nếu Bình Nhưỡng cung cấp một bản báo cáo “đầy đủ và chính xác” về tất cả các chương trình hạt nhân của mình.

 

Trước thoả thuận đạt được về việc kiểm chứng, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Obama cho biết, đây là “bước kiêm tốn” trong tiến trình dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và nó cho thấy cần thiết phải có một chính sách bền vững và cứng rắn.

 

Obama cho biết nếu Triều Tiên không thực hiện nghĩa vụ của mình Mỹ và các đối tác trong bàn đàm phán 6 bên, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, sẽ ngưng hỗ trợ về năng lượng và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

 

Còn ứng viên Tổng thống đảng Cộng hoà McCain cho biết trước khi Nhà Trắng tuyên bố loại Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố rằng, ông không rõ liệu những biện pháp kiểm chứng mới có gì mới hay không nhưng nó không trả lời cho vấn đề bắt cóc các công dân Nhật của Triều Tiên.

 

Phan Anh

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm