1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ chật vật thuyết phục các nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran

(Dân trí) - Từ chối nhập khẩu dầu của Iran là một phần của các biện pháp trừng phạt Tehran mà Washington lôi kéo các đồng minh tham gia. Nhưng nỗ lực này là không dễ dàng đối khi dầu mỏ đóng vai trò quan trọng với kinh tế bất kỳ quốc gia nào.

 
Mỹ chật vật thuyết phục các nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran - 1
Các lệnh chế tài chống Iran đã khiến nhiều người lo ngại rằng giá dầu sẽ tăng và kết quả là có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế mong manh.
 
Mỹ đang đàm phán với các nước nhập khẩu dầu chính của Iran, gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản, về việc giảm khối lượng nhập khẩu trong khuôn khổ các lệnh chế tài nhắm vào ngân hàng trung ương Iran.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano hôm qua tuyên bố với báo giới rằng Nhật Bản và Mỹ đã không đạt thỏa thuận cuối cùng về việc các công ty Nhật Bản từ chối nhập khẩu dầu từ Iran.

Dù vậy, các cuộc đàm phán về việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran đang tiếp diễn.

Đối với Nhật Bản, từ bỏ nhập khẩu dầu sẽ kéo theo những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, bởi vì Iran là nước xếp thứ ba xuất khẩu dầu sang Nhật Bản. Nhật Bản cần nhiên liệu tăng lên đáng kể sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.

Trong khi đó, một phái đoàn các giới chức cấp cao Hàn Quốc đang tới Washington ngày hôm qua để tham dự cuộc hội đàm trong đó sẽ bàn về việc nước này cần cắt giảm bao nhiêu khối lượng nhập khẩu.

Khoảng 10% khối lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc là mua từ Iran. Tin tức từ Seoul cho thấy dư luận rất lo ngại về ảnh hưởng của một quyết định giảm nhập khẩu dầu với nền kinh tế nước này.

Mỹ đã áp đặt các lệnh chế tài đối với các tổ chức tài chính có quan hệ kinh doanh với ngân hàng trung ương Iran, là nơi tiến hành phần lớn các thủ tục tài chính về hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.

Các lệnh chế tài đã khiến nhiều người lo ngại rằng giá dầu sẽ tăng và kết quả là có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế mong manh.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu khác, do Arập Xêút dẫn đầu, nói rằng họ có thể tăng cường sản xuất để duy trì nguồn cung ổn định.

Lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ chống lại Iran công bố tháng 1/2012 được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU). Các nước thành viên EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu Iran từ ngày 1/7 tới.

Phương Tây dự kiến giảm doanh thu nhập khẩu dầu sẽ buộc Tehran giảm đầu tư vào các chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, cuối tuần qua Iran đã công bố chấm dứt việc cung cấp dầu cho các công ty Anh và Pháp và đe dọa sẽ thực hiện biện pháp tương tự đối với một số nước châu Âu khác.

Trước đó, Trung Quốc, là một nước nhập khẩu dầu đã từ chối ủng hộ Mỹ và EU trong biện pháp trừng phạt chống Iran

Trung Quốc cảnh báo Israel

Liên quan đến tình hình Iran, Trung Quốc hôm qua còn cảnh báo việc Israel tiến hành tấn công Iran sẽ gây ra nhiều tổn thất trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định rằng việc tiến hành tấn công Iran “chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho thế giới”.

Trung Quốc đưa ra cản báo trên ngay trước chuyến thăm của thủ tướng Israel đến Washington. Nhiều tin tức cho rằng vấn đề thông qua kế hoạch ném bom Iran của Israel sẽ trở thành chủ đề quan trọng nhất trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barak Obama trong chuyến thăm của Thủ tướng Israel đến Wasington ngày 5/3 tới đây.

Israel đến nay vẫn chưa từ bỏ kế hoạch tấn công vào các mục tiêu nguyên tử của Iran. Hiện tại đối đầu với Tel-Avid còn có Mỹ và một số nước phương Tây.

Việt Hà
Tổng hợp