Mỹ cắt viện trợ cho các chương trình lương thực khẩn cấp của Liên hợp quốc
(Dân trí) - Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng viện trợ cho các chương trình khẩn cấp về lương thực có thể là "án tử" với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

Các nhân viên tại một điểm phân phối hàng viện trợ của WEP ở Bangladesh (Ảnh: Reuters).
Thông tin từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấm dứt tài trợ cho các chương trình khẩn cấp của tổ chức này.
Đây là các chương trình đã giúp duy trì sự sống cho hàng triệu người tại Afghanistan, Syria, Yemen và 11 quốc gia nghèo khó khác, nhiều trong số đó đang phải đối mặt với xung đột.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 7/4, WFP, tổ chức cung cấp viện trợ lương thực lớn nhất thế giới thuộc Liên hợp quốc, đã kêu gọi Mỹ rút lại các đợt cắt giảm mới.
"Điều này có thể giống "án tử" cho hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng và sự tuyệt vọng cùng cực", WFP cảnh báo.
Cơ quan trên cho hay họ đang liên hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump "để thúc giục duy trì sự hỗ trợ" cho các chương trình cứu sống và cảm ơn Mỹ cũng như các nhà tài trợ khác vì những đóng góp trong quá khứ.
Việc hủy viện trợ này ảnh hưởng tới một số chương trình nhân đạo cuối cùng còn lại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) điều hành.
Các dự án bị hủy "vì lợi ích của chính phủ Mỹ" được cho là theo chỉ đạo của ông Jeremy Lewin, một thành viên hàng đầu thuộc Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE), người được bổ nhiệm giám sát việc chấm dứt các chương trình của USAID.
Ngoại trưởng Marco Rubio và các quan chức khác trong chính quyền Mỹ trước đó đã cam kết bảo vệ các chương trình cứu trợ khẩn cấp và viện trợ sinh tử khỏi những đợt cắt giảm mạnh đối với viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên.
Các chương trình bị ảnh hưởng
Theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Syria, một quốc gia đang đối mặt với đói nghèo và bất ổn sau 13 năm nội chiến và cuộc nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), khoảng 230 triệu USD thỏa thuận với WFP và các nhóm nhân đạo đã bị chấm dứt trong những ngày gần đây.
Chương trình lớn nhất trong số các chương trình bị nhắm đến tại Syria, trị giá 111 triệu USD, cung cấp bánh mì và các thực phẩm hàng ngày cho 1,5 triệu người.
Khoảng 60 thư hủy hợp đồng đã được gửi trong tuần qua.
Một quan chức của Liên hợp quốc tại Trung Đông cho biết toàn bộ viện trợ của Mỹ cho các chương trình lương thực của WFP tại Yemen, một quốc gia bị chia cắt vì xung đột và đang phải đối mặt với một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, đã bị ngừng lại, bao gồm cả thực phẩm đã được chuyển đến các trung tâm phân phối.
WFP cũng nhận được các thư hủy hợp đồng đối với các chương trình mà Mỹ tài trợ ở Li Băng và Jordan, nơi người tị nạn Syria sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo quan chức Liên hợp quốc.
Một số khoản tài trợ cuối cùng của Mỹ cho các chương trình quan trọng ở Somalia, Afghanistan và Zimbabwe, quốc gia ở miền Nam châu Phi, cũng bị ảnh hưởng, bao gồm các chương trình cung cấp thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế và nơi ở cho những người bị di dời bởi chiến sự.
Các chuyên gia và đối tác hiện tại và trước đây của USAID cho biết khoảng 560 triệu USD viện trợ nhân đạo đã bị cắt đối với Afghanistan, bao gồm hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp, điều trị cho trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, chăm sóc y tế, cung cấp nước uống và điều trị tâm lý khẩn cấp cho các nạn nhân của bạo lực tình dục và thể xác.
Ngày 4/4, một thông báo được phát đi về việc ngừng tài trợ của Mỹ cho một chương trình tại Afghanistan vốn được Quốc hội Mỹ ủng hộ mạnh mẽ. Chương trình này đã đưa các phụ nữ trẻ Afghanistan ra nước ngoài học tập do lệnh cấm giáo dục phụ nữ của Taliban. Họ giờ đây đối mặt với việc phải quay lại Afghanistan.
Theo các tổ chức nhân đạo, việc kết thúc đột ngột các chương trình của WFP đe dọa đến những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, nhiều trong số họ phụ thuộc vào viện trợ lương thực như vậy.
Mỹ và các nhà tài trợ khác từ lâu đã coi các nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo là lợi ích chiến lược nhằm ngăn chặn di cư ồ ạt, xung đột và chủ nghĩa cực đoan, những điều mà cuộc đấu tranh giành tài nguyên có thể gây ra.
Giám đốc WFP Cindy McCain cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng các khoản cắt giảm này "làm suy yếu sự ổn định toàn cầu."
Vào tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thông báo với Quốc hội và các tòa án rằng các đợt cắt giảm hợp đồng của USAID đã kết thúc, với khoảng 1.000 chương trình được bảo vệ trên toàn cầu và hơn 5.000 chương trình khác bị loại bỏ. Điều này càng làm tăng thêm sự bất ngờ về đợt cắt giảm mới.
Trước đó, vào năm ngoái, Mỹ là nhà tài trợ chính của WFP, cung cấp 4,5 tỷ USD trong tổng số 9,8 tỷ USD tiền quyên góp cho tổ chức lương thực này.