Mỹ: Cảnh sát bắn chết thiếu niên da màu đã xin thôi việc
(Dân trí) - Sĩ quan cảnh sát Mỹ Darren Wilson, người bắn chết một thanh niên da màu không mang vũ khí ở bang Missouri, gây ra các cuộc bạo động trên khắp nước Mỹ, đã xin thôi việc.
Sĩ quan cảnh sát Mỹ Darren Wilson.
Luật sư Neil Bruntrager cho hay khách hàng của ông đã được nghỉ phép sau khi xảy ra vụ nổ súng tại thị trấn Ferguson, ngoại ô thành phố St Louis thuộc bang Missouri hôm 9/8.
Wilson được cho là đã nói rằng anh phải từ chức vì các lý do an toàn.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 29/11, luật sư Bruntrager nói rằng quyết định từ chức có hiệu lực ngay tức thì.
Sở cảnh sát của Wilson, nơi anh này công tác trong 6 năm qua, chưa xác nhận về quyết định từ chức của anh.
Nhưng tờ St Louis Post-Dispatch đưa tin, Wilson, 28 tuổi, đã quyết định nghỉ việc sau khi sở cảnh sát của anh nhận được những lời đe dọa bạo lực nếu anh tiếp tục công việc.
Tờ báo cũng đăng tải lá thư từ chức của Wilson. "Tôi được thông báo rằng nếu tiếp tục công tôi sẽ đặt các cư dân và cảnh sát tại Ferguson vào tình thế nguy hiểm. Tình hình đó không cho phép tôi tiếp tục".
Michael Brown, 18 tuổi, đã bị viên cảnh sát Wilson bắn chết giữa ban ngày trên một tuyến phố tại Ferguson. Mặc dù cảnh sát khẳng định Brown là nghi phạm của một vụ cướp, thanh niên này hoàn toàn không có vũ khí tại thời điểm bị bắn.
Cái chết của Brown đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài nhiều tuần.
Hôm 24/11, tòa án đã công bố quyết định không truy tố cảnh sát Wilson về vụ nổ súng.
Quyết định của tòa án đã một lần nữa làm bùng phát các cuộc biểu tình. Ferguson, Missouri, New York, Washington, Los Angeles và nhiều thành phố khác tại Mỹ đã chứng kiến các cuộc bạo động và cướp phá trong vài ngày qua.
Hơn 100 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình.
Hồi đầu tuần này, viên cảnh sát Wilson nói với truyền thông Mỹ rằng trước vụ nổ súng, Brown đã xô anh vào xe, đánh anh và vồ súng. Wilson cho hay anh đã lo sợ cho mạng sống của chính mình.
Nhưng những người ủng hộ Brown nói rằng thanh niên này đã định đầu hàng viên cảnh sát khi bị bắn. Một số nhân chứng nói Brown đã giơ tay lên.
Gia đình của Brown nói rằng quyết định tòa không truy tố Wilson là thiên vị và không công bằng.
An Bình
Theo AFP, BBC