Mỹ cảnh báo “thảm họa” nếu không trả nợ đúng hạn
(Dân trí) – Chính phủ Mỹ đã bước sang ngày đóng cửa thứ ba với những đe dọa khủng hoảng chính trị - xã hội trong nước, lẫn nguy cơ lơ lửng đối với toàn thế giới nếu bị vỡ nợ.
Mối đe dọa về việc Mỹ không trả được nợ sẽ có “ảnh hưởng rất lớn trên khắp thế giới”.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo rằng có thể sẽ có ảnh hưởng “hết sức tai hại” tới nền kinh tế toàn cầu nếu Hạ viện không gia tăng mức trần vay nợ của chính phủ liên bang trong những ngày sắp tới để nước tránh được cảnh vỡ nợ.
Theo tính toán trước đó của cơ quan trên, Mỹ sẽ chạm trần nợ công 16.700 tỷ USD vào ngày 17/10 tới. Hiện nay, số nợ thực tế đã tiến rất sát mốc này trong bối cảnh các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn bất đồng sâu sắc về ngân sách chi tiêu chính phủ và trần nợ công mới.
Vì vậy, hôm qua Bộ Tài chính đã đưa ra phúc trình phác họa các “thảm họa” có thể xảy ra nếu nước này hết tiền trả các khoản nợ, cả trong nước và quốc tế, kể cả tiền lãi mà nước này phải trả cho các khoản vay nước ngoài.
“Không trả nợ đúng hạn là điều trước nay xưa từng xảy ra và nó sẽ gây ra những tai họa: Các thị trường chứng khoán có thể bị đóng băng, trị giá USD có thể sụt giảm, lãi suất của Mỹ có thể gia tăng đột ngột, tình trạng tiêu cực tràn lan tác động đến khắp nơi trên thế giới và có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế như năm 2008 hoặc tệ hơn”, phúc trình của Bộ Tài chính nêu rõ.
Cảnh báo được đưa ra khi chính phủ Mỹ đã bước sang ngày thứ ba của tình trạng đóng cửa một phần hoạt động do bế tắc về dự luật ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội, chủ yếu là Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Trước đó, Tổng thống Barack Obama - một thành viên đảng Dân chủ - cũng đã cảnh báo Hạ viện cần hành động mau chóng để tránh một cuộc khủng hoảng mới liên quan tới mức trần vay nợ mà Mỹ có thể gặp phải vào ngày 17/10 tới.
“Hạ viện cần gia tăng giới hạn vay nợ mà không thương thảo về các chính sách liên quan tới ngân sách quốc gia và thuế khóa”, ông Obama nói.
Mức trần vay nợ của Mỹ đã gia tăng hơn 100 lần trong thế kỷ trước và nay vẫn tiếp tục phình to. Điều này đã buộc Giám đốc điều hành các ngân hàng lớn đã phải đến tòa Bạch Ốc để gặp Tổng thống Obama bàn cách gỡ rối, trong đó có Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein.
Tại cuộc gặp, ông Blankfein nói rằng điều bắt buộc là không được để Mỹ rơi vào tình trạng không làm tròn nghĩa vụ tài chính.
Giáo sư chuyên ngành kinh doanh tại trường Đại học Michigan, ông Gordon cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu nước Mỹ vỡ nợ.
“Những mối đe dọa về việc Mỹ không trả được nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào chứng khoán của chính phủ”, Giáo sư Gordon nói.
Mỹ và Đan Mạch là hai nước dân chủ duy nhất trên thế giới áp đặt mức trần vay nợ, nhưng Washington không mấy khi thành công trong việc tiết chế chi tiêu của mình. Trong lịch sử, nước Mỹ đã có không ít lần rơi vào tình cảnh phải ngừng hoạt động một phần do thiếu tiền mà lần gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 1995, đầu năm 1996. Khi đó, chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 21 ngày.
Theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ, giới hạn trần nợ vay của nước này được quy định như sau:
- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
Theo các quy định trên, từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã phải nâng giới hạn trần nợ 78 lần.