1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cảnh báo đòn đáp trả quân sự mạnh nhất đối với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi đáp trả "mạnh nhất có thể" đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sau các cuộc họp với các quan chức ở Warsaw và Kiev.

Mỹ cảnh báo đòn đáp trả quân sự mạnh nhất đối với Nga - 1

Binh sĩ Ukraine nhận vũ khí do Mỹ viện trợ tại sân bay Kiev (Ảnh: AFP).

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 2/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố Washington và các đồng minh phải gia tăng nỗ lực chống lại Moscow. Bà Pelosi kêu gọi "phản ứng quân sự mạnh nhất" và "các biện pháp trừng phạt mạnh nhất" nhằm thể hiện rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là "không thể chấp nhận được".

"Chúng ta không nên hành động nhẹ hơn vì mối đe dọa từ Nga", bà Pelosi nói.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng cho biết phái đoàn Mỹ "đã thảo luận về tầm quan trọng của quan hệ đối tác Mỹ - Ba Lan trong việc cung cấp viện trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine", cũng như "tầm quan trọng của việc củng cố liên minh NATO".

Cả Mỹ và Ba Lan đã cung cấp số lượng đáng kể thiết bị quân sự và các viện trợ khác cho Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Washington chi hàng chục tỷ USD để cung cấp cho Ukraine pháo hạng nặng, máy bay không người lái, trực thăng, xe bọc thép, đạn dược cùng nhiều loại vũ khí khác. Các nước phương Tây cũng khởi động một chiến dịch trừng phạt nặng nề nhằm tìm cách "cô lập" và "làm tê liệt" nền kinh tế Nga, buộc Moscow phải dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong tuyên bố sau cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Tổng thống Ba Lan cho biết hai nước cũng đã thảo luận về việc củng cố hơn nữa "sườn phía đông" của NATO. Sau một số đợt triển khai của Mỹ, số lượng binh sĩ Mỹ ở châu Âu vượt 140.000 người, trong đó một phần lực lượng đóng quân ở phía đông.

Ba Lan đã đưa ra một số đề xuất an ninh quan trọng cho cả nước này và Ukraine trong những tuần gần đây, kêu gọi Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, cũng như triển khai quân đội Mỹ, thậm chí cả vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan. Các quan chức Nga nhiều lần chỉ trích việc các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời cảnh báo việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan sẽ kích hoạt phản ứng tương tự từ Moscow.

Trước khi tới Ba Lan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn các nghị sĩ tới gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev.

Bà Pelosi, người đứng thứ 2 trong danh sách kế nhiệm chức tổng thống Mỹ sau Phó Tổng thống Kamala Harris, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Ukraine kể từ khi chiến sự giữa Kiev và Moscow bùng phát hơn 2 tháng trước. Theo giới quan sát, động thái này dường như thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine.

Hạ viện Mỹ tuần trước đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden kích hoạt lại chương trình từ Chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm gỡ các rào cản để ông Biden có thể cho Ukraine mượn hoặc thuê vũ khí. Ông Biden cũng đề xuất Quốc hội Mỹ chi thêm 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong vài tháng tới.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine