1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo "chuẩn bị hành động" sau "ngày đẫm máu nhất" tại Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức cấp cao của Mỹ lên án hành vi bạo lực của chính quyền quân đội Myanmar và cảnh báo sẽ sớm hành động.

Mỹ cảnh báo chuẩn bị hành động sau ngày đẫm máu nhất tại Myanmar - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi lên án hành động bạo lực của các lực lượng an ninh Myanmar đối với người dân và sẽ tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm đối với những người phải chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết trên Twitter ngày 28/2.

Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng "nhân dân Myanmar dũng cảm" và kêu gọi tất cả các nước khác "cùng lên tiếng ủng hộ" nguyện vọng của người dân Myanmar.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Myanmar ghi nhận ngày biểu tình "đẫm máu nhất" kể từ khi quân đội đảo chính hôm 1/2.

Theo Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương ở Myanmar hôm 28/2, khi cảnh sát và quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. 

Mỹ cảnh báo chuẩn bị hành động sau ngày đẫm máu nhất tại Myanmar - 2

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Yangon, Myanmar ngày 28/2. (Ảnh: Reuters)

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 28/2 cảnh báo Washington chuẩn bị áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào các lực lượng đứng sau đảo chính và bạo lực tại Myanamar.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để buộc những người gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm", ông Sullivan tuyên bố.

"Chúng tôi đang chuẩn bị các hành động bổ sung để buộc những kẻ chịu trách nhiệm phải trả giá vì vụ bạo lực mới nhất và cuộc đảo chính gần đây. Chúng tôi sẽ công bố trong vài ngày tới", cố vấn an ninh của Tổng thống Joe Biden cho biết.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng "lên án mạnh mẽ" tình hình bạo lực tại Myanmar vào cuối tuần qua, khẳng định "việc sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa và các vụ bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được".

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế "cùng nhau gởi một tín hiệu rõ ràng tới quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng nguyện vọng của người dân Myanmar, vốn được thể hiện thông qua bầu cử, và ngừng đàn áp".

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ nhiều quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, giành quyền kiểm soát đất nước. Cuộc đảo chính đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt cả trong nước và quốc tế. Tại Myanmar, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Trong tháng 2, Mỹ đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên các tướng lĩnh của Myanmar để phản đối đảo chính. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua lệnh trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar và 3 doanh nghiệp trong ngành đá quý của nước này. 

Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với hai tướng quân đội Myanmar gồm Tư lệnh không quân Maung Maung Kyaw và trung tướng Moe Myint Tun - cựu Tham mưu trưởng quân đội Myanmar. Cả hai tướng này hiện đều là thành viên Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar - cơ quan do quân đội lập ra sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Mỹ sẽ đóng băng tất cả tài sản của các quan chức này tại Mỹ, đồng thời cấm công dân Mỹ giao dịch với họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nếu quân đội Myanmar có thêm bất kỳ hành động bạo lực nào nhằm vào những người biểu tình ôn hòa, Washington sẽ tiếp tục áp lệnh trừng phạt.