1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cân nhắc cung cấp thêm khí tài cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đang cân nhắc đề nghị cung cấp thêm khí tài cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với nước này.

Mỹ cân nhắc cung cấp thêm khí tài cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga - 1
Ukraine đề nghị Mỹ triển khai các tổ hợp tên lửa Patriot ở nước này (Ảnh minh họa: Getty).

Thời báo phố Wall (WSJ) dẫn nguồn thạo tin ngày 21/4 cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc cung cấp thêm khí tài cho Ukraine. Tuy nhiên, những cân nhắc này mới chỉ ở giai đoạn đầu với lý do Washington không muốn đối đầu quân sự với Nga. Đó cũng chính là lý do khiến Mỹ hủy kế hoạch điều hai tàu chiến đến Biển Đen giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Những tuần gần đây, Nga đã triển khai khoảng 120.000 binh sĩ cùng các khí tài đến bán đảo Crimea và khu vực sát biên giới miền Đông Ukraine. Trước tình hình này, Ukraine đã nhiều cả công khai và không công khai đề nghị Mỹ hỗ trợ vũ khí để đối phó với cái mà họ gọi là "mối đe dọa từ Nga". Trong số có các đề nghị đó có đề nghị triển khai hệ thống tên lửa Patriot trên lãnh thổ Ukraine.

Politico dẫn lời một số quan chức của Mỹ cho biết, nếu Nga tìm cách tấn công Ukraine, Mỹ có thể sẽ nhanh chóng cung cấp thêm khí tài cho Ukraine để giúp họ tăng cường phòng vệ. Washington có thể sẽ cung cấp thêm các tên lửa chống tăng Javelin, đạn dược và bom cho quân đội Ukraine. Kế hoạch này vẫn chưa đi đến đâu mặc dù Tổng thống Biden sau khi nhậm chức đã phê chuẩn gói hỗ trợ quân sự trị giá 125 triệu USD cho Ukraine, trong đó có hỗ trợ 2 tàu tuần tra có trang bị vũ khí, hệ thống radar.

Giới chức Mỹ cho rằng, động thái tăng cường lực lượng quân sự của Nga mang ý nghĩa phô trương sức mạnh nhiều hơn là nguy cơ một cuộc tấn công cận kề.
Tại một cuộc họp báo trong tuần này, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: "Chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ mục đích thực sự là gì. Chúng tôi vẫn vô cùng quan ngại về việc Nga tăng cường quân sự, chúng tôi kêu gọi phía Nga minh bạch hơn nữa về ý đồ của họ".

Ông Kirby nói thêm, số binh sĩ Nga triển khai gần biên giới Ukraine hiện nay lớn hơn so với đợt triển khai quân sự của Nga năm 2014 khi nước này nhận sáp nhập bán đảo Crimea.

Ngoại trưởng Ukraine hôm 20/4 nói với các phóng viên rằng, tình hình ở biên giới Ukraine - Nga đang leo thang và Moscow có thể sẽ hành động hơn nữa trong những tuần tới. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi tiến hành một cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại vùng chiến sự ở miền Đông trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ông cũng kêu gọi phương Tây đưa ra những "tín hiệu rõ ràng" rằng họ sẵn sàng ủng hộ Ukraine. "Người dân của chúng tôi cần những tín hiệu rõ ràng rằng, ở năm thứ 8 của cuộc chiến này, một đất nước làm lá chắn cho châu Âu sẽ nhận được sự ủng hộ không chỉ với tư cách là đối tác, mà còn là với tư cách thành viên", ông Zelensky nói.

Về phía Nga, nước này nhiều lần khẳng định việc tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine là hoàn toàn bình thường và chỉ nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc gia, không nhằm vào bất cứ nước nào. Ngược lại, giới chức Nga cáo buộc Mỹ và các nước thành viên NATO tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cố tình biến nước này thành một "thùng thuốc súng".

Tổng thống Putin hôm qua cảnh báo, Nga sẽ đáp trả mạnh và nhanh chóng bất cứ quốc gia nào vượt qua "lằn ranh đỏ", đe dọa đến lợi ích an ninh của Nga. Ông nói, Moscow sẽ có các biện pháp "không cân xứng" để bảo vệ lợi ích quốc gia trong trường hợp các nước khác từ chối đối thoại.